Chiều 28/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành về tình hình triển khai Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện Nghị định, đã có 16/28 tỉnh, thành phố có văn bản đề xuất danh mục dự án ưu tiên đầu tư về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 12 tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới 352 tàu và 54 tàu nâng cấp. 5 tỉnh, thành phố đã thực hiện bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và tai nạn thuyền viên với tổng số phí hơn 6 nghìn 400 tỷ đồng.
Hạ thủy tàu cá ĐNa 90657 TS tại Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN |
Năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao tổng số kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực thủy sản là hơn 380 nghìn tỷ đồng; đồng thời, nhiều chính sách ưu đãi về thuế đã được thực hiện.
Tuy nhiên, đa số các địa phương tập trung vào triển khai chính sách tín dụng vay vốn đóng tàu, chưa quan tâm triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp đã ban hành như: chính sách đầu tư, chính sách thuế, chính sách bảo hiểm, vay vốn lưu động…; hồ sơ, quy trình thẩm định vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá và vay vốn lưu động đối với các ngân hàng thương mại chưa được thống nhất; công tác thẩm định dự toán để xác định giá trị bảo hiểm còn gặp khó khăn...
Để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và đẩy mạnh thực hiện Nghị định 67 trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện được hưởng chính sách theo Nghị định 67; cho phép các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, các ngân hàng thương mại được tham gia Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của các địa phương nhằm rút ngắn thời gian thẩm định cho vay của các ngân hàng.
Đồng thời, cho phép ngư dân đã có tàu tổng công suất 400CV trở lên được vay vốn nâng cấp để thực hiện một hoặc nhiều hạn mục đầu tư đồng thời như: thay máy mới, gia cố vỏ bọc thép, bọc vỏ vật liệu mới, mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải; bảo quản hải sản.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, Nghị định 67 là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, mang tính lâu dài. Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, các ngân hàng thương mại đã vào cuộc nhanh cả về chính sách chế độ và triển khai thực hiện. Qua đó, Nghị định 67 đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục kiên trì mục tiêu chính sách đã đề ra, phát triển sản xuất kết hợp bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ biển, hải đảo; tổ chức lại sản xuất nghề cá; tích cực triển khai thực hiện đúng pháp luật và hết sức chặt chẽ; thực hiện đúng đối tượng, không để kẻ xấu lợi dụng chính sách.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý, về chính sách đầu tư đã tăng nhưng chưa đạt được yêu cầu, vì vậy, các bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp, tính toán cân đối, khai thác nguồn vốn khác để đưa vào hoạt động, kể cả ngoài ngân sách. Các bộ, ngành cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân được vay vốn theo quy định trong Nghị định 67.
Nguyễn Cường (TTXVN)