Chọn nhà thầu qua mạng
Theo ban lãnh đạo SPMB, nhận thức được tầm quan trọng chiến lược, lợi ích và hiệu quả nhiều mặt của chuyển đổi số, SPMB luôn áp dụng triệt để hình thức lựa chọn nhà thầu qua mạng trên Hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia. Đến nay, 100% các gói thầu do SPMB thực hiện đều được thực hiện bằng hình thức lựa chọn nhà thầu qua mạng bao gồm mua sắm hàng hóa, xây lắp, phí tư vấn...
Kết quả đó đã góp phần vào thành tích chung đã được ghi nhận và thống kê tại trang web http://muasamcong.mpi.gov.vn/ của Bộ Kế hoach và Đầu tư; trong đó tháng 05/2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có số lượng gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng là 7.346 gói, đạt 99,31% tổng số gói thầu và tổng giá trị gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng là gần 32.000 tỷ đồng, chiếm 94,06% tổng giá trị các gói thầu. Đây là những kết quả rất cao trong việc đánh giá tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Để góp phần đạt được kết quả đó, SPMB đã cố gắng ứng dụng chuyển đổi số trong nâng cấp thiết bị để đáp ứng cấu hình Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia yêu cầu. Cán bộ công nhân viên làm công tác đấu thầu tự sáng kiến để nâng cao hiệu quả làm việc bằng cách trang bị 2 màn hình máy tính hoặc nhiều hơn; trong đó chủ yếu tận dụng các màn hình cũ hiện có, sáng kiến này giúp có thể vừa nhập dữ liệu trên Hệ thống vừa kiểm tra thông tin dữ liệu từ màn hình còn lại...
Đối với các trường hợp làm việc online nhằm đảm bảo phòng chống dịch, SPMB đã chuẩn bị và tạo mọi điều kiện để tất cả CBCNV có thể làm việc tại nhà nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất công việc được giao, có thể tham dự các cuộc họp online để nắm bắt kịp thời, nhanh chóng các chỉ đạo mới nhất từ các cấp. Nhờ vậy, đơn vị này vẫn đảm bảo 100% các gói thầu được tổ chức đấu thầu qua mạng.
Đại diện lãnh đạo SPMB cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng triệt để, hiệu quả các công nghệ kỹ thuật số, công nghệ thông tin và tự động hóa cùng với việc tìm tòi, sáng kiến để theo kịp xu hướng tất yếu của sự phát triển đó là chuyển đổi số. Từ đó, đạt mục tiêu tăng năng suất, tối ưu hóa chi phí, minh bạch, an toàn trong hoạt động của SPMB.
"Đặc biệt chúng tôi tập trung ngày càng hoàn thiện hơn về công tác lựa chọn nhà thầu, nhằm đảm bảo 4 mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả đều đạt được khi đấu thầu qua mạng”, ông Trương Hữu Thành, Giám đốc SPMB nhấn mạnh.
Giám sát công trường 24/24h
Cùng với chuyển đổi số trong đấu thầu, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam cũng đã chỉ đạo việc nghiên cứu lắp đặt thử nghiệm hệ thống Camera tại kho vật tư và công trường một số dự án trạm biến áp 220 – 500 kV do SPMB quản lý dự án. Thông qua hệ thống camera, SPMB sẽ ghi nhận mọi hình ảnh được truyền về trụ sở để theo dõi, giám sát tiến độ thi công công trình của các đơn vị thi công và các hoạt động hàng ngày tại kho vật tư SPMB.
Theo đó, tại công trường, kho vật tư, SPMB đã trang bị tại mỗi vị trí cần giám sát 01 bộ Camera wifi/LAN quay quét 3600, Modem dùng SIM 4G, pin năng lượng mặt trời để chủ động trong kết nối và cung cấp nguồn liên tục cho thiết bị. Hệ thống Camera cho phép kết nối dữ liệu đám mây qua Internet để dễ dàng giám sát thông qua máy tính, các thiết bị di động sử dụng phần mềm do hãng Camera cung cấp. Các hình ảnh trên công trường được truyền về văn phòng theo thời gian thực phục vụ rất hữu ích kiểm soát tổng quan tiến độ thi công.
Trong năm 2021 vừa qua, SPMB đã hoàn tất lắp đặt hệ thống Camera giám sát công trường tại 4 dự án, gồm: trạm biến áp 500 kV Long Thành, trạm 220 kV Bến Lức, trạm 220 kV Giá Rai và Kho Vật tư thiết bị dự án đường dây 500 kV Sông Hậu - Đức Hoà tại Cái Bè. Sau khi hệ thống Camera được lắp đặt, quá trình thi công của các đơn vị luôn được giám sát, nhắc nhở kịp thời. Nhờ vậy, tiến độ thi công của dự án luôn được bám sát và đẩy mạnh. Hoạt động tại kho vật tư Nhà Bè luôn được giám sát chặt chẽ.
Trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào quá trình đầu tư xây dưng các dự án, SPMB sẽ đầu tư, triển khai áp dụng các công nghệ và thiết bị mới, hiện đại trong các dự án, đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các công nghệ trạm biến áp số, công nghệ điều khiển tích hợp tại các trạm biến áp không người trực...
Không chỉ vậy, để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số, SPMB đã từng bước rà soát và hiệu chỉnh quy trình nghiệp vụ để cho phép tin học hóa, giảm báo cáo và hồ sơ giấy thông qua việc triển khai sử dụng hiệu quả tài liệu họp “điện tử”, phục vụ các cuộc họp “không giấy”. Đồng thời, đơn vị đã nâng cao nhận thức cho người lao động bằng các hình thức thức đào tạo Elearning kết hợp cuộc thi online. SPMB đã phổ biến nhận thức về chuyển đổi số, an toàn thông tin, nâng cao nhận thức, chiến lược, quản trị chuyển đổi số đến toàn bộ cán bộ công nhân viên.
Chuyển đổi số là cả một quá trình; trong đó phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ mới cần được quan tâm đúng mức, hiệu quả. Do vậy, ban lãnh đạo SPMB cho hay, việc cần làm hiện nay là tập trung thực hiện tốt đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ thông tin và an toàn thông tin, có thói quen sẵn sàng cho chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng thành thạo công cụ số trong xử lý công việc, cũng như kỹ năng an toàn thông tin.
“SPMB tin chắc rằng quá trình chuyển đổi số sẽ được đơn vị ứng dụng và tiếp tục triển khai mạnh mẽ nhằm mang lại hiệu quả cao trong lĩnh vực đầu tư xây dựng của EVNNPT nói chung và SPMB nói riêng”, Giám đốc SPMB khẳng định.