Siết ngoại tệ giúp giảm rủi ro cho doanh nghiệp

Hết ngày hôm nay (31/3), các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ ngưng cho doanh nghiệp (DN) vay ngoại tệ để sản xuất kinh doanh trong nước, theo quy định trong Thông tư 24 của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 8/12/2015. Đồng thời, các NHTM sẽ chuyển sang mua - bán ngoại tệ cho các đối tượng này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là lộ trình đi đúng hướng của Ngân hàng nhà nước, giúp giảm tình trạng đô la hóa. Có thể thấy, hiện nay thị trường ngoại tệ vẫn ổn định. Cụ thể, ngày 31/3, giá USD tại các NH tiếp tục giảm nhẹ 10 đồng/USD so với ngày 30/3, còn 22.255 đồng/USD (mua vào) - 22.325 đồng/USD (bán ra); trên thị trường tự do, giá USD vẫn giữ mức ổn định trong 1 tháng nay với mức 22.280 đồng/USD - 22.300 đồng/USD. Với sự ổn định tỷ giá này, việc mua - bán ngoại tệ của NH cho DN sản xuất kinh doanh trong nước không bị ảnh hưởng nhiều.

Siết ngoại tệ sẽ giúp rủi ro cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.

TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, động thái này cũng giúp các DN bớt rủi ro hơn về kinh doanh. Thứ nhất, việc gửi USD lãi suất 0% cũng khiến cho người dân không còn mặn mà giữ USD mà chuyển sang bán USD nhiều hơn găm giữ. Thống kê của NHNN trong quý I/2016 cho thấy, nợ tín dụng USD trên hệ thống NH đã giảm 3% so với cuối năm 2015. Theo đó, nguồn cung USD trên thị trường hiện khá dồi dào. Và do thị trường không “tiêu thụ” hết lượng USD dẫn đến giá mua USD của NHTM thấp hơn giá mua USD tại Sở Giao dịch NHNN và NHNN đã thực hiện mua USD khối lượng lớn trong thời gian qua. Như vậy, DN nếu mua ngoại tệ cũng yên tâm về tỷ giá ổn định. Thứ 2, việc NH chuyển từ cho vay sang mua - bán ngoại tệ cũng giúp cho DN chủ động hơn. Theo đó, DN nếu có kế hoạch trả tiền mua nguyên vật liệu từ nước ngoài, sẽ chủ động mua USD kỳ hạn của NH. Với việc chủ động này, DN có thể chốt được giá USD sớm mà không lo tỷ giá có thể biến động trong vài tháng sau.


Ngoài ra, việc chuyển sang mua - bán ngoại tệ của NHTM cũng sẽ giúp NH giảm thiểu được rủi ro. Bởi thời gian qua, sau khi NH giảm lãi suất huy động USD còn 0%, phần lớn người gửi ngoại tệ chủ yếu ở không kỳ hạn. Trong khi đó, NH phần lớn lại cho vay USD ở trung và dài hạn, nếu lấy USD từ nguồn huy động sang cho vay sẽ gặp nhiều rủi ro vì không chủ động được nguồn USD.


Mặt khác, việc ngưng cho vay USD sẽ khiến một số DN không còn thực hiện được chiêu “ăn” chênh lệch lãi suất "đô - đồng" như đã từng xảy ra. Trước đây, lãi suất vay USD khoảng 2,8 - 3,5%/năm, lãi suất gửi VND 5 - 7%/năm, giữa 2 đồng tiền vẫn có mức chênh lệch từ 2,2 - 3,5 điểm % nên nhiều DN đã thực hiện vay USD chuyển qua tiền VND để ăn chênh lệch lãi suất. Với quy định này, theo TS Bùi Quang Tín, DN sẽ “hết cửa” lách.


Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cũng cho biết, hiện DN đang vay ngoại tệ để sản xuất kinh doanh trong nước chiếm một tỷ lệ “rất ít” trên tổng dư nợ cho vay ngoại tệ. Bên cạnh đó, tỷ lệ huy động/cho vay ngoại tệ hiện ở mức 70% là con số khá an toàn. Vì thế, việc các NH chuyển từ cho vay sang mua - bán ngoại tệ sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến DN đang vay USD hiện nay.


Hải Yên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN