Đó là thông tin ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, cho biết tại cuộc họp tình hình kinh tế - văn hóa- xã hội 7 tháng đầu năm của TP Hồ Chí Minh diễn ra vào đầu tháng 8 vừa qua.
TP Hồ Chí Minh phát triển ngành hoa lan và cây kiểng khá mạnh mẽ tại các huyện ngoại thành để thay đổi đời sống nông dân. |
Theo ông Nguyễn Phước Trung, ngành hoa lan thành phố đem lại lợi nhuận rất cao và đang phát triển khá mạnh ở các huyện ngoại thành đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Việc phát triển hoa, cây kiểng là một trong những chương trình trọng điểm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020, vì vậy Sở muốn tổ chức Festival hoa lan để thu hút du khách và quảng bá ngành hoa lan, đồng thời tôn vinh người trồng hoa lan và cây kiểng của thành phố nói riêng. Theo đó, dự kiến Fetival hoa lan sẽ tổ chức vào dịp lễ 30/4 và 1/5 hàng năm, do đây là thời điểm có nhiều du khách đến thành phố du lịch. Ngoài ra, tháng 4 và 5 cũng là thời điểm hoa lan bước vào thời kì nở nhiều và đẹp nhất trong năm.
Đồng quan điểm với Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, thông qua kinh nghiệm tổ chức thành công lễ hội trái cây Nam bộ và TP Hồ Chí Minh cũng là nơi giao lưu, tiêu thụ hàng hóa lớn do đó hai Sở mong muốn UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận kế hoạch tổ chức Festival hoa lan này. Ngoài ra, việc tổ chức Fetival hoa vào dịp hè (tháng 4 và 5) cũng tạo ra một sản phẩm du lịch mới cho thành phố.
Theo Hội nông dân TP Hồ Chí Minh, tỷ suất lợi nhuận của người trồng hoa lan của TP Hồ Chí Minh rất cao, chẳng hạn như lan Mokara là 57%, với lan Dendrobium là 147%… Năm 2016, giá trị sản xuất hoa lan bình quân 1ha đất nông nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đạt 410 triệu đồng/năm; năm 2017 là 700 triệu đồng/năm. Hiện nay, thành phố có 5 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực hoa lan với 70 thành viên và nhiều nông hộ chuyên canh loại hoa này.