Theo Bộ Công Thương, hoạt động bán hàng đa cấp thời gian gần đây đã có nhiều biến tướng, ảnh hưởng đến người dân tham gia mạng lưới. Phổ biến là các vi phạm của các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, vi phạm của các doanh nghiệp tuy có bán hàng theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp. Ảnh minh họa: Huỳnh Kim Phượng/TTXVN |
Bộ Công Thương cũng thừa nhận vì một số lý do khách quan và chủ quan, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đạt hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân do các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp đã được sửa đổi theo hướng thắt chặt quản lý nhưng vẫn chưa thể kiểm soát được các hình thức lách luật tinh vi, phức tạp. Bên cạnh đó, hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra trên cơ sở phương thức truyền miệng và không có địa điểm cố định nên công tác quản lý và phối hợp giữa cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.
Theo số liệu báo cáo của địa phương, từ đầu năm 2016 đến nay, 38/57 Sở Công Thương đã tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động trên địa bàn. Đã có 37 Sở Công Thương ra quyết định xử phạt 21 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với 65 trường hợp vi phạm, số tiền phạt là gần 4 tỷ đồng.
Ngoài ra, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 353 vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp với tổng số tiền xử phạt gần 5 tỷ đồng (57 Chi cục có kết quả kiểm tra xử lý, 6 Chi cục đang trong quá trình xử lý vi phạm). Đặc biệt, trên cả nước đã phát hiện và xử lý 18 doanh nghiệp bán hàng đa cấp nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động theo quy định với số tiền phạt là 653 triệu đồng.
Chính vì vậy, thời gian qua Bộ Công Thương liên tiếp phải ban hành các văn bản thu hồi giấy đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của các công ty vi phạm dưới mọi hình thức. Do đó, nếu như năm 2015 số lượng công ty bán hàng đa cấp là 67 thì đến thời điểm này chỉ còn 42 công ty.
Đáng lưu ý, doanh thu từ các công ty bán hàng đa cấp này mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ. Điều này thể hiện qua thống kê của Bộ Công Thương chỉ riêng 6 tháng đầu năm doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp đạt khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp nước ngoài là khoảng 1.800 tỷ đồng (chiếm 45% thị phần, doanh thu của các doanh nghiệp trong nước là khoảng 2.200 tỷ đồng (chiếm 55% thị phần). Các doanh nghiệp đã tiến hành chi trả tiền hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác với số tiền gần 712 tỷ đồng cho người tham gia bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên, số lượng người tham gia mạng lưới này cũng đã giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái từ 1,16 triệu người xuống còn 500.000 người. Hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp vẫn tập trung chủ yếu vào các loại thực phẩm chức năng mỹ phẩm và đồ gia dụng.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực triển khai xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 với các định hướng cơ bản về minh bạch hóa hoạt động bán hàng đa cấp; nâng cao thẩm quyền của cơ quan quản lý ở địa phương đối với hoạt động bán hàng đa cấp.
Mặt khác, Bộ Công Thương kiến nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu, bổ sung quy định về tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ luật Hình sự 2015. Bên cạnh đó, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp trên toàn quốc.