Nay mai, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) sẽ được lột xác để mang tên “Thành phố Hoa Lư” - phồn đô về du lịch và là vệ tinh của Thủ đô. Tất cả đã được lập thành đề án, liên tiếp được đặt lên bàn hội nghị trong thời gian gần đây để lấy ý kiến.
“Xây tổ đón ong”
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo: “Sắp tới sẽ dừng đấu giá đất trên địa bàn toàn tỉnh”. Ông cho biết: “Có thể chủ trương này động chạm đến nhiều người, nhưng vẫn phải làm. Dừng đấu giá để quy hoạch. Tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư xây dựng các khu biệt thự, liền kề và nhà chung cư. Hiện nay một lượng lớn đất đai đang rơi vào giới đầu cơ, trong khi đó, nhu cầu của người dân lại rất cao.
Có người cho rằng: Thời gian qua thu ngân sách phần lớn bằng bán đấu giá quyền sử dụng đất là không bền vững. Tuy nhiên, để có được thành phố Ninh Bình như hôm nay thì điều cần phải nhắc tới là sự nỗ lực phát triển đô thị. Ngày tách tỉnh cách đây không phải là quá xa, thành phố Ninh Bình còn là thị trấn, rồi thị xã. Cả đô thị chủ yếu là đồng ruộng, nghi ngút lò đốt vôi mà ai đó vẫn gán cho cái tên nhiều chữ B là: “Buồn, bụi, bẩn”. Nhà cửa thì thưa thớt và xập xệ. Có được như hôm nay, thành phố Ninh Bình đã áp dụng phương châm “xây tổ đón ong”.
Thành phố Ninh Bình trên đường đổi mới. |
Thành phố đã quy hoạch, làm cơ sở hạ tầng để đấu giá đất, thu hút dự án. Có thể nói, việc bán đất, chuyển đổi đất nông nghiệp đã làm cho đô thị sầm uất. Diện mạo của thành phố Ninh Bình phát triển nhanh đến mức nhiều người ví rằng: Ai đó đi làm xa trở về cứ nghĩ mình lạc đường. Hiện nay nhà cao tầng, biệt thự mọc san sát, các khu vui chơi giải trí, siêu thị tầm cỡ, khách sạn 3 – 4 sao, nhà hàng sang trọng đã khá nhiều.
Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình Nguyễn Văn Tỉnh tâm sự: “Thời điểm này, chủ trương dừng đấu giá đất là phù hợp để xây dựng đô thị có chất lượng hơn”.
Thành phố phồn đô
Tỉnh Ninh Bình sẽ lấy tên thành phố “Hoa Lư”, dự kiến đến năm 2015 là đô thị loại 2 và đến năm 2025 là đô thị loại 1 thuộc tỉnh. Thành phố sẽ được mở rộng, trong đó nhập thêm toàn bộ huyện Hoa Lư, 6 xã huyện Gia Viễn và một số xã của Tam Điệp, huyện Yên Khánh, Nho Quan với diện tích tổng thể khoảng 34.000 ha.
Đây sẽ là thành phố đầy tiềm năng và tập trung chủ yếu cho du lịch, bởi có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp, có khu hang động Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, “hạ long cạn” Vân Long; du lịch tâm linh chùa Bái Đính; sân gôn lớn trong khu vực Đông Nam Á 54 lỗ hồ Yên Thắng; di tích lịch sử đền thờ vua Đinh, vua Lê và Tiền Lý…
Nay mai, Ninh Bình sẽ trở thành thành phố lý tưởng từ việc đi lại, tham quan, ngủ nghỉ… Có đường sắt, đường cao tốc, quốc lộ 1 A và đặc biệt sân bay Tràng An cũng sẽ được xây dựng. Từ chùa Bái Đính sẽ có đường nối đi chùa Hương. Bãi bồi biển Kim Sơn đã được nhà đầu tư xây dựng thành khu kinh tế biển với hàng ngàn ha. Khu vực Cồn Nổi sẽ được khai thác làm điểm tắm biển, hóa giải việc lâu nay ở Ninh Bình không thể tắm biển vì đây là bãi bồi sình lầy. Du khách từ Hà Nội về tham quan, rồi đi tắm biển về trong ngày, không mất thời gian, công sức vào tận biển Sầm Sơn, Cửa Lò…
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết: Để làm được như đề án, tỉnh đang gặp muôn vàn khó khăn từ quy hoạch, thiết kế, nguồn vốn. Nhưng khó khăn mấy tỉnh cũng đồng tâm nỗ lực và quyết liệt bắt tay vào làm ngay. Nhiều hạng mục rất táo bạo, nhưng nếu tính toán kỹ lưỡng thì sẽ khả thi.
Việc xây dựng quy hoạch đã được dự trù kinh phí hàng triệu USD và sẽ mời các nhà thầu nước ngoài. Tỉnh Ninh Bình hiện đang ưu đãi để khuyến khích và thu hút mạnh các nhà đầu tư, nhất là các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, vui chơi giải trí…
Nguyễn Văn Cảnh