Sắp tổ chức tư vấn xuất khẩu thủy sản sang thị trường RCEP

Để tận dụng nhiều hơn nữa các ưu đãi và gia tăng hiệu quả xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này, ngày 27/5 tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu thủy sản sang thị trường RCEP nhằm giúp doanh nghiệp tìm hiểu thông tin, tìm cơ hội hợp tác.

Chú thích ảnh
Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Cục Xúc tiến thương mại, xuất khẩu thủy sản luôn đứng trong top ngành tận dụng được các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do; trong đó, có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Chính vì vậy, tại phiên tư vấn, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Lào, Malaysia, Singapore sẽ trình bày tổng quan thị trường thủy sản, vấn đề tiếp cận, áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang các thị trường này.

Theo ước tính, tổng các nước tham gia RCEP chiếm khoảng 30% tổng ngân sách quốc nội (GDP) toàn cầu và 30% dân số thế giới sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

RCEP có hiệu lực mở ra cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực. Đồng thời, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường các nước thành viên, nhất là khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới;, trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP chiếm 63,5% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Cụ thể gồm ASEAN 6,7% và Hàn Quốc 9,2% ổn định, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc 16,5% tăng trưởng mạnh nhất, xuất khẩu sang Nhật Bản 16,8% cũng duy trì tăng trưởng khả quan.

Thành tựu trong những năm qua là những dấu ấn để khẳng định vị trí của ngành thủy sản Việt Nam sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể xâm nhập mạnh hơn vào các quốc gia thành viên của RCEP.

Bên cạnh những thuận lợi, RCEP cũng mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng thủy sản. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thủy sản phải chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho rằng, việc tham gia Phiên tư vấn xuất khẩu thủy sản sang các thị trường RCEP là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tìm hiểu kỹ về yêu cầu thị trường, hàng rào kỹ thuật của các nước RCEP để có biện pháp xúc tiến xuất khẩu hiệu quả, bền vững với các thị trường này trong thời gian tới.

Phiên tư vấn xuất khẩu thủy sản sang các thị trường RCEP là phiên tư vấn thứ 17 trong chuỗi 30 phiên tư vấn thuộc “Chương trình hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa với các thị trường nước ngoài và các cam kết quốc tế về sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức trong năm 2022.

Uyên Hương (TTXVN)
RCEP giúp Việt Nam cải thiện khả năng tiếp cận các thị trường tiêu dùng lớn
RCEP giúp Việt Nam cải thiện khả năng tiếp cận các thị trường tiêu dùng lớn

Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố Báo cáo nghiên cứu toàn cầu mới nhất với tiêu đề “Việt Nam–RCEP: Cơ hội và thách thức", trong đó nhận định việc trở thành thành viên của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tiếp tục củng cố vị thế thương mại của Việt Nam và góp phần vào quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 trong năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN