Doanh nghiệp cần lưu ý tận dụng ưu đãi từ Hiệp định RCEP

Theo các chuyên gia, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, là một trong những hiệp định thương mại quan trọng, sân chơi không chỉ cho các doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có cơ hội phát triển nếu biết tận dụng tốt những ưu đãi từ Hiệp định này.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ tại hội nghị.

Chia sẻ tại "Hội nghị tập huấn tuyên truyền ASEAN năm 2022: Tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết",  do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 19/4, tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Dương, trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hiệp định RCEP đã được ký tháng 11/2020 và có hiệu lực từ đầu năm 2022. Đây là Hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới, bao gồm các đối tác hàng đầu về đầu tư và xuất nhập khẩu của Việt Nam, RCEP sẽ có tác động mạnh tới nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. 

Đến thời điểm này, dù còn nhiều đánh giá khác nhau về tác động, nhưng đây là thị trường lớn với 30% dân số thế giới, chiếm 30% GDP và quan trọng nhất là thị trường được dự báo phục hồi nhanh sau đại dịch.

Việt Nam đã tham gia 2 hiệp định thương mại thế hệ mới (là CPTPP và EVFTA) với những cam kết và ràng buộc cao hơn so với RCEP. Vì vậy về lý thuyết, nếu chủ động thực hiện hiệu quả các cam kết thì Việt Nam sẽ cải thiện được năng lực cạnh tranh và nhiều lợi thế khi thực hiện các FTA thế hệ mới và cả RCEP.

Mặc dù được đánh giá là nhiều cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp lớn mà cả doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, nhưng theo ông Dương, hiệp định RCEP cũng kéo theo một số thách thức về thương mại như vấn đề nhập siêu, mức độ tự chủ trong chuỗi cung ứng, khả năng thích ứng với những quy định ở thị trường RCEP…

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi ứng phó với các rào cản, quy định mới. Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu thị trường và quy định của các thị trường RCEP. “Cơ hội đi liền với thách thức, muốn có cơ hội từ FTA thì doanh nghiệp phải lăn mình vào sân chơi, tìm hiểu kỹ các quy định của thị trường. Nhiều doanh nghiệp không có thói quen bài bản, không tìm hiểu các quy định, đến khi quy định ban hành và thực hiện rồi thì doanh nghiệp mới “ngã ngửa” ra tìm cách đáp ứng thì đã lỡ mất cơ hội”, ông Dương cho hay.

Do đó, theo ông Dương, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch kinh doanh gắn với tìm hiểu quy định thị trường một cách bài bản. Đặc biệt, doanh nghiệp không nên tách rời RCEP với các FTA khác trong chiến lược kinh doanh của mình, nên “hái từ trái thấp”, đi từ những FTA đơn giản rồi tiếp cận dần lên.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ về cơ hội cho doanh nghiệp khi thực hiện RCEP:

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), RCEP thúc ép chúng ta phải có những thay đổi để tận dụng được cơ hội về thuế quan thì các thủ tục sẽ phải thuận lợi hơn, với sức ép và thách thức từ RCEP lại là động lực.

Bên cạnh đem đến nhiều cơ hội lớn, RCEP là một hiệp định mới cũng mang tới những thách thức đối với doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, ngành sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn nhất là hàng hóa từ các nước khác có thể đưa vào Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn.

Do đó doanh nghiệp sẽ phải thay đổi nhanh hơn và đầy đủ hơn chứ không phải với một tầm nhìn ngắn hạn như trước đó để phát triển bền vững. Bản thân các doanh nghiệp cũng nhận ra rằng hiện nay họ không phải kinh doanh với một thị trường mà kinh doanh với thế giới. Những thị trường tưởng dễ tính đã không còn dễ tính, doanh nghiệp sẽ phải sẵn sàng với những thách thức mới.

Đồng thời cần cải cách môi trường kinh doanh để làm sao giải phóng hiệu quả nhất và có ý nghĩa thực chất nhất để tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước bởi những cạnh tranh từ đối tác RCEP sẽ mạnh hơn nhiều không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở cả thị trường nước ngoài.

Trải qua thời gian tám năm, 31 vòng đàm phán, 15 cuộc họp của Ủy ban đàm phán thương mại và 19 vòng đàm phán cấp bộ trưởng, cuối cùng các nước đã đạt được thỏa thuận RCEP. Đây không chỉ là một thỏa thuận thương mại tự do đơn thuần mà còn thực sự là một thỏa thuận toàn diện. RCEP dựa trên “kiềng ba chân” gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử, được cụ thể hóa bằng một văn kiện dài hơn 14.000 trang với 20 chương, cùng với các phụ lục và lịch trình. 

RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia. 

Hiệp định này sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Thậm chí, với hiệp định này, Việt Nam và các nước ASEAN hoàn toàn có cơ hội để trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài.
Thu Trang/Báo Tin tức
Hỗ trợ doanh nghiệp hiểu về tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam 
Hỗ trợ doanh nghiệp hiểu về tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam 

Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động tuyên truyền quảng bá ASEAN, sáng 19/4, Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Thông tin Tuyên truyền ASEAN tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền ASEAN với chủ đề "Tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết". 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN