Sản xuất dưa chuột gắn với ký kết hợp đồng tiêu thụ

Ngày 9/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ dưa chuột trong những qua và phương hướng trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Đóng gói dưa chuột tại Hợp tác xã nông sản sạch Bảo An để xuất bán cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Nông nghiệp VinEco.

Theo ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, toàn tỉnh Hà Nam có 44 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trồng dưa chuột với tổng diện tích cả năm khoảng 1.200 ha. Đối với dưa bao tử, năng suất dưa chuột bình quân đạt 28 - 33 tấn/ha, giá trị sản xuất bình quân đạt 250 - 305 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 5 - 6 lần so với sản xuất lúa. Đối với dưa thương phẩm làm rau, năng suất bình quân đạt 36 - 42 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt 277 - 300 triệu đồng/ha/vụ.

Hầu hết các địa phương quy hoạch vùng sản xuất dưa tập trung còn manh mún, số vùng có diện tích sản xuất tập trung từ 3 ha trở lên chiếm khoảng 30%. Dưa thương phẩm hiện nay mới chỉ quan tâm tiêu chí về kích cỡ, mẫu mã sản phẩm nên người sản xuất chỉ quan tâm đến đạt năng suất, chưa quan tâm nhiều đến dư lượng Nitơrat, thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm.
 
Do đó, mặc dù đều là sản xuất dưa chuột bao tử xuất khẩu, xong quy trình sản xuất ở các địa phương chênh lệch nhau rất lớn về lượng phân bón, đa dạng về chủng loại phân và thuốc bảo vệ thực vật.

Về tiêu thụ dưa chuột, hiện nay có 6 công ty, doanh nghiệp trong tỉnh Hà Nam có nhà máy chế biến tiêu thụ dưa chuột bao tử xuất khẩu. Các doanh nghiệp ký kết hợp đồng trực tiếp với 33 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sản xuất dưa chuột với tổng sản lượng tiêu thụ hàng năm khoảng 20.000 - 222.000 tấn (chiếm tỷ lệ 50%), số lượng dưa thương phẩm còn lại do các tư thương thu gom tiêu thụ cho các cơ sở ngoài tỉnh và làm rau xanh bán tại các chợ, cửa hàng nông sản.
 
Việc ký hợp đồng tiêu thu tạo điều kiện cho sản xuất dưa chuột được phát triển bền vững, tránh được tình trạng tranh mua, tranh bán khi thiếu hoặc ép giá khi thừa. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn còn có tình trạng nông dân khi thấy thương lái vào thu mua giá cao hơn đã phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp.

Ông Khuất Duy Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hội Vũ, cụm công nghiệp Cầu Giát, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho biết, mỗi vụ công ty thu mua 700 - 800 tấn dưa chuột tại các địa phương trong tỉnh Hà Nam. Hợp đồng tiêu thụ được ký kết từ đầu vụ, tuy nhiên vẫn còn tình trạng nông dân phá vỡ hợp đồng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Vì vậy, công ty đề nghị các sở, ban, ngành nghiên cứu đưa ra các biện pháp, chế tài xử lý để người nông dân tuân thủ nghiêm hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp, đồng thời quản lý chặt chẽ danh mục thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hàm lượng Nitơrat để sản phẩm dưa chuột của tỉnh Hà Nam có thể mở rộng xuất khẩu sang những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như các nước châu Âu.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, trong những năm qua, cây dưa chuột luôn đứng hiệu quả hàng đầu trong những loại cây trồng hàng năm của tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, diện tích dưa không phát triển, chỉ duy trì ở một số địa phương đã có truyền thống trồng dưa chuột.
 
Để sản xuất dưa chuột trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam yêu cầu các địa phương đăng ký diện tích trồng dưa, xác định rõ quỹ đất để quy hoạch phù hợp và lâu dài, ưu tiên quy hoạch những vùng có nhiều lao động phổ thông làm nông nghiệp để quy hoạch thành vùng trồng có diện tích từ 5 ha trở lên.
 
Cùng với đó, tỉnh tăng cường quản lý các sản phẩm đầu vào đảm bảo chất lượng hoàng hóa đáp ứng yêu cầu àn toàn vệ sinh thực phẩm; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất để giảm bớt chi phí vật tư, công lao động.
 
Các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua sản phẩm dưa chuột phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, phòng Nông nghiệp các huyện, thành phố thống nhất với các địa phương, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, không để tình trạng tranh mua, tranh bán xảy ra, đồng thời giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong sản xuất…

Tin, ảnh: Nguyễn Chinh (TTXVN)
Sóc Trăng xây dựng thương hiệu cho các nông sản, đặc sản
Sóc Trăng xây dựng thương hiệu cho các nông sản, đặc sản

Trong đợt tuyển chọn sản phẩm OCOP 6 tháng đầu năm 2020 mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã lựa chọn và công bố thêm 20 sản phẩm đạt chuẩn OCOP; trong đó có 2 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao là: Bắp (ngô) non đóng hộp, hạt sen đường phèn (của Công ty Chế biến thực phẩm nấm xuất khẩu Tư Thao); còn lại là 18 sản phẩm đạt 3 sao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN