Ông Đinh Thiên Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ cao Bắc Âu cho biết, đơn vị chuyên sản xuất các loại nấm đạt tiêu chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Khi dịch COVID-19 xảy ra, 90% đối tác đã hủy đơn hàng, trong khi theo quy trình, nấm trồng chỉ khoảng 2 tháng sẽ phải thu hoạch, nếu không sẽ mất trắng. Vì vậy, doanh nghiệp đã phải tìm hướng đi mới là sản xuất, chế biến nấm tươi thành nấm đóng hộp, patê nấm, nước sốt từ nấm…Từ khi chuyển đổi, sức mua của các mặt hàng này tăng cao khoảng 30-40%, giúp doanh nghiệp thoát cảnh "mất trắng" và phát triển thêm mảng sản phẩm đồ hộp phục vụ thị trường trong nước.
Còn bà Thái Thu Đào, Giám đốc truyền thông công ty nông sản Langbiang, cho biết trước tình hình dịch COVID-19, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khoẻ và sản phẩm nội địa. Nắm bắt xu hướng đó, công ty đã nghiên cứu và trồng trọt các sản phẩm sạch đảm bảo sức khỏe. Nhờ vậy, các mặt hàng này đã tiêu thụ mạnh tại các hệ thống phân phối hiện đại. Thực tế cho thấy, sau một tuần lên các quầy kệ tại các siêu thị, mặt hàng cà chua cherry của đơn vị đã bán hết 1 tấn; các mặt hàng khác được làm từ các nguyên liệu thiên nhiên sạch như nước sốt sả, mè đậu phụng, nước dừa tươi, tỏi, gừng… cũng tiêu thụ khá chạy.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến ngành nông nghiệp và thay đổi xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam. Theo đó, đa số người tiêu dùng đã chọn các sản phẩm nông sản nội địa có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nhiều hơn. "Việc tổ chức các phiên chợ tuần nông sản thực phẩm an toàn trên cả nước sẽ giúp người tiêu dùng tiếp cận được nhiều nông sản an toàn, đồng thời các HTX nông nghiệp cũng có dịp kết nối được với doanh nghiệp phân phối lớn, các nhà sản xuất để đưa hàng vào hệ thống siêu thị nhằm tạo ra chuỗi nông sản an toàn, bền vững cho người tiêu dùng", ông Lê Đức Thịnh nói.