Trong dịp cao điểm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Giáp Thìn 2024, các bến xe thuộc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội quản lý gồm: Giáp Bát, Mỹ Đình và Gia Lâm sẽ tăng cường khoảng 2.500 xe.
“Các bến đang hoạt động bình quân khoảng 30 - 50% hệ số trọng tải phương tiện nên lượng xe đang hoạt động cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách. Tình trạng ùn ứ cục bộ có thể xảy ra ở một số tuyến cự ly ngắn vào một số thời điểm trong ngày sẽ được tăng cường phương tiện vào các khung giờ cao điểm”, ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết.
Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã đề nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp 900 phù hiệu xe tăng cường giải tỏa khách cho dịp Tết Dương lịch và 1.300 phù hiệu cho Tết Nguyên đán năm 2024; đề nghị Tổng công ty Vận tải Hà Nội chỉ đạo các đơn vị hoạt động buýt chuẩn bị sẵn sàng phương án huy động xe dự phòng nhằm giải tỏa hết khách trong các ngày cao điểm.
Dự báo nhu cầu đi lại bằng xe buýt của một bộ phận người dân sẽ tăng cao, đặc biệt những ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ lễ, lưu lượng hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng ước tăng khoảng 25 - 30%. Theo đó, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội xây dựng thời gian hoạt động và lịch chạy xe trong dịp nghỉ Tết Dương lịch năm 2024 như sau: ngày 30/12/2023 và ngày 1/1/2024 có lịch chạy xe giống nhau.
Thời gian mở bến từ 4 giờ 45 phút, đóng bến 22 giờ 35 phút, tần suất chạy xe 5 - 20 phút/lượt tùy từng tuyến. Riêng ngày 31/12/2023, tần suất chạy xe 10 - 15 - 20 phút/lượt. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mở bến từ 5 giờ 30 phút. Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông mở bến từ 5 giờ 30 phút, đóng bến lúc 22 giờ, tần suất 10 phút/lượt.
Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội dự phòng tăng cường 47 xe với 96 lượt trên 29 tuyến để giải tỏa hành khách khi nhu cầu tăng cao; trong đó, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đảm trách tăng cường trên 16 tuyến (tuyến buýt số 01, 02, 03A, 04, 06A, 10A, 11, 16, 17, 20B, 28, 29, 32, 54, 103 và tuyến buýt nhanh BRT01)… Trong quá trình triển khai phục vụ, tùy theo tình hình thực tế phát sinh sẽ điều chỉnh linh hoạt hoặc huy động các tuyến buýt có liên quan khác ngoài danh sách các tuyến nêu trên.
Cùng với tăng cường phương tiện, trong dịp Tết, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội kiến nghị Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức phân luồng giao thông các khu vực xung quanh bến xe; cho phép xe có phù hiệu xe tăng cường của sở được phép đi trong nội thành để đến các bến xe kịp thời giải tỏa khách.
Theo đó, đơn vị này cũng sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp vận tải để tổ chức bán vé điện tử, cấp lệnh điện tử theo quy định (yêu cầu các đơn vị bán vé điện tử có phương án bán vé dự phòng cho hành khách trong trường hợp hệ thống phần mềm gặp sự cố), bảo đảm 100% hành khách trên xe khi xe xuất bến phải có vé.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ bố trí lực lượng chốt trực tại 106 vị trí có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024. Lực lượng Thanh tra cũng huy động hơn 200 thanh tra viên/ngày trực giúp người dân đi lại thuận lợi, an toàn. Tại khu vực rào chắn thi công các công trình trọng điểm của thành phố, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ bố trí lực lượng thường xuyên duy trì, thực hiện phân luồng, hướng dẫn giao thông, xử lý các vi phạm nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ nhân dân đi lại an toàn, thuận tiện trong dịp Tết.
Tại những điểm ùn tắc giao thông, các Đội Thanh tra Giao thông vận tải sẽ tiếp tục thực hiện Phương án số 3843 về việc bố trí lực lượng phối hợp thực hiện nhiệm vụ phân luồng chống ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông kết hợp với kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết sự cố giao thông trên các tuyến đường.
Các Đội Thanh tra Giao thông vận tải cũng tăng cường lực lượng phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông tổ chức giao thông, phân luồng, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt; kịp thời nắm bắt các tình huống xảy ra ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông, sự cố, tai nạn. Đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm, những tuyến đường cửa ngõ ra, vào Thủ đô, chủ động có biện pháp giải quyết, khắc phục nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông; không để phát sinh ùn tắc giao thông kéo dài.