Rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 35/NQ - CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến 2020 với nhiều giải pháp thiết thực. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi với bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh, Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Với góc độ của chuyên gia nghiên cứu về môi trường kinh doanh, bà đánh giá thế nào về sự tác động của Nghị quyết 35/NQ - CP đối với sự phát triển của DN, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)?

Giải pháp hỗ trợ DN nói chung và DNNVV thì từ trước đến nay Chính phủ đã có, các bộ, ngành cũng có những quỹ hỗ trợ riêng. Có thể nói chúng ta không thiếu các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ ấy có tới được DNNVV hay không mới là vấn đề.

Cách đây 2 năm (3/2014), Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mục tiêu ở nghị quyết này cũng chỉ rõ là tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính... Nhưng thực tế cho thấy, đến tính đến cuối năm 2015, thì vẫn chỉ có 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, 58% doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn. Và theo rà soát của CIEM, cho đến nay vẫn đang có hơn 6.000 quy định về điều kiện kinh doanh, trong đó có hơn 3.000 quy định nằm ở các thông. Điều này phản ánh, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện nghị quyết của Chính phủ vẫn hạn chế.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh, Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Với Nghị quyết 35/NQ - CP Chính phủ vừa ban hành, chúng tôi rất mừng là Chính phủ đã nhấn mạnh nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương là phải coi DN là đối tượng phục vụ. Đồng thời khẳng định các quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của DN, những yếu tố rất quan trọng đối với DN. Thứ hai, Nghị quyết 35/NQ - CPcũng khẳng định Nhà nước đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả các DN trong các cơ hội tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai... những nguồn lực mà DNNVV rất ít cơ hội tiếp cận trong thời gian qua. Thứ ba là không còn giao nhiệm vụ chung chung, Nghị quyết đã chỉ rõ, Chủ tịch UBND các địa phương phải tổ chức công khai, định kỳ đối thoại với cộng đồng DN, để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Lập đường dây nóng để tiếp nhận và trả lời trực tuyến hướng dẫn, giải đáp cho DN. Có thể nói, với Nghị quyết 35, mục tiêu của Chính phủ là tạo sự chuyển biến thực sự trong hành động của các bộ, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ DN. Và chúng tôi tin rằng, với chính sách mới này, niềm tin của DN nói chung và DNNVV nói riêng sẽ tăng lên rất nhiều, tinh thần khởi nghiệp sẽ được đẩy lên.

Theo bà, để Nghị quyết 35/NQ - CP đi vào cuộc sống, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN, cần phải có các giải pháp triển khai như thế nào?

Đúng là từ trước đến nay, việc từ chính sách đến thực tiễn luôn tồn tại một khoảng cách khá dài. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện được tồn tại này, bằng giải pháp rất đơn giản. Đó là chỉ cần lực lượng cán bộ các bộ, ngành, chính quyền, công chức các địa phương thể hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm công vụ của mình trong thực thi công việc. Bởi quan điểm, đường hướng làm việc trong Nghị quyết 35 Chính phủ đã chỉ rõ. Đó là tạo ra môi trường, cơ hội kinh doanh an toàn, minh bạch, bình đẳng, thông thoáng cho DN, để lực lượng DNNVV được cạnh tranh bình đẳng, dễ dàng tham gia vào các cơ hội thị trường để phát triển.

Có thể nói, chính sách mới về hỗ trợ DN của Chính phủ tạo lập môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đã tiệm cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như sát với nhu cầu thực tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tới đây, nếu các hành động của các bên như bộ máy quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong nước đồng lòng nỗ lực hướng tới mục tiêu chung, sẽ tạo được sự phát triển đồng bộ, bền vững.

Để biến những giải pháp trong Nghị quyết 35 thành kết quả trong thời gian tới, CIEM sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, dựa trên những vấn đề kiến nghị, mong muốn của DN để đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Cụ thể là hiện nay, CIEM đang cùng các bộ, cơ quan, các địa phương tập trung rà soát các quy định của các bộ, ngành, địa phương về điều kiện kinh doanh, để đảm bảo tới đây, các quy định về điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp mà không nằm ở nghị định thì sẽ không còn hiệu lực kể từ từ 1/7/2016.

Tại sao trước hết phải rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh? Vì đây là rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV. Rất nhiều quy định của các bộ, ngành, địa phương không rõ ràng, hiểu thế nào cũng được. Ví như quy định nhà xưởng phải phù hợp, đáp ứng theo quy định. Nhưng quy định đó là quy định nào, phù hợp với cái gì... thì không có hướng dẫn tiếp. Chính điểm này tạo điều kiện cho các lực lượng thực thi hiểu sao thì áp dụng vậy. Đối với việc này, CIEM đang tập hợp, rà soát xem các quy định có rõ ràng không? Không thể có các quy định mà mỗi đối tượng hiểu theo cách khác nhau. Tiêu chí để CIEM rà soát các quy định là: Có rõ ràng, cần thiết, có đảm bảo hiệu quả, hiệu lực thực hiện hay không?

Thứ hai, CIEM cũng đang phối hợp với các bộ, ngành tìm giải pháp giảm thiểu việc kiểm tra chuyên ngành. Thực tế cho thấy, khi DN thực hiện hoạt động XNK, giá trị XNK đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP. Nhưng hiện thủ tục thông quan (thủ tục để xuất hàng đi, nhập hàng về) đang là rào cản vô cùng lớn của DN. Khi DN không được thông quan thì không chỉ mất chi phí lưu kho, mà mất mát lớn hơn là cơ hội SXKD, cơ hội phát triển thị trường và việc làm cho lao động. Tới đây, các bộ, ngành phải thực hiện quản lý theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Theo cách quản lý này, những DN nào làm tốt, không vi phạm thì giảm bớt phần kiểm tra. Ví dụ, ngành Hải quan đã áp dụng phương thức quản lý rủi ro theo luồng xanh, luồng vàng, luồng đỏ. Khi DN đảm bảo uy tín vào luồng xanh thì gần như được XNK tự động. Điều này tạo cho DN sự thông thoáng cao nhất để XK. Còn khi anh bị vào luồng vàng, thì anh sẽ bị kiểm tra thường xuyên. Nếu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro này ở tất cả các bộ, ngành chủ quản thì sẽ giải quyết rất lớn về các rào cản cho DN, đồng thời là giảm gánh nặng công việc của cơ quan Nhà nước.

Xin trân trọng cảm ơn!

Xuân Hương
Tập trung nguồn vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh
Tập trung nguồn vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh

Bốn tháng đầu năm nay, tổng dư nợ cho vay của Agribank Hải Phòng đạt 3.088 tỷ đồng, tăng 14 tỷ, tỷ lệ tăng 0,5% đạt 87% kế hoạch năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN