Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2022 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/3, tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tính riêng trong tháng 3/2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu hồi phục mạnh mẽ, ước đạt 34,06 tỷ USD, tăng 45,5% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu tăng cả về lượng và giá ở nhiều nhóm hàng, đặc biệt ở một số nhóm mặt hàng như nông sản, dầu thô, xăng dầu, phân bón, chất dẻo…
Tính chung quý I/2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 88,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 22%) hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10%.
"Điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp" Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong quý I/2022 có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 5 mặt hàng so với quý 1/2021, chiếm 83,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,9%.
Phân tích sâu hơn về các nhóm hàng xuất khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản quý I/2022 ước đạt 7,27 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Điểm nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản là xuất khẩu thủy sản trong tháng 3/2022 ước tính đạt 900 triệu USD, tăng tới 41% so với tháng 2/2022 và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.
Do vậy, tính chung trong quý I/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước ước tính đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó cá tra và tôm là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất.
"Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam. Tình hình xung đột Nga - Ukraine mặc dù tác động nhỏ đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga và Ukraine; trong đó, Nga chiếm 2%, Ukraine chiếm 0,3% nhưng lại có tác động lớn đến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam khi 2 thị trường này là 2 trong số 20 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam". Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến quý I/2022 tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch đạt 76,18 tỷ USD, tăng 11,6% so với quý I/2021 và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều tăng trưởng cao hơn so với quý 1/2021; trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 14,23 tỷ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước..
Về thị trường xuất khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, trong quý 1/2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 25,57 tỷ USD, chiếm 28,87% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bộ Công Thương dự báo, trong thời gian tới xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc. Lý do là bởi, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.
Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.
Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các Hiệp hội, doanh nghiệp.
Cùng với đó, Bộ sẽ tiến hàng rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
Điều này sẽ giúp vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.