Quy hoạch nguồn khoáng sản phục vụ các công trình, dự án trọng điểm

Đề án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được công bố ngày 21/11.

Chú thích ảnh
Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh chính thức bàn giao đề án cho các đơn vị, sở, ngành trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết, việc xây dựng Đề án nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu sản xuất như: Vật liệu xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho các giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt là tuyến cao tốc, công trình, dự án trọng điểm (cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc Mộc Bài - Xa Mát, sân bay và tuyến đường kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng, khu công nghiệp, đô thị theo quy hoạch tỉnh được duyệt).

Tỉnh Tây Ninh xác định, nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2030 như sau: Tổng nhu cầu sử dụng đá xây dựng toàn tỉnh khoảng 16,3 triệu m3 (giai đoạn 2024 - 2025 là 4,3 triệu m3, giai đoạn 2026 - 2030 là 12 triệu m3); cát xây dựng khoảng 15,7 triệu m3; đất sét, gạch, ngói khoảng 10,7 triệu m3; vật liệu san lấp khoảng 232 triệu m3. Riêng nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình trọng điểm tại Tây Ninh là khoảng 12,2 triệu m3 đá xây dựng, 10,8 triệu m3 cát xây dựng, 55,3 triệu m3 vật liệu san lấp.

Cũng theo Đề án, Tây Ninh triển khai theo nguyên tắc ưu tiên khu vực chất lượng, có giá trị khoáng sản cao và không được tác động đến cảnh quan môi trường, sinh kế của người dân; có đường vận chuyển thuận lợi, không ảnh hưởng đến giao thông, đời sống dân cư. Đồng thời, ưu tiên khu vực đất do Nhà nước quản lý, khu vực hồ chứa nước Dầu Tiếng (khu vực bán ngập) để chủ động quỹ đất thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Việc thăm dò, khai thác không làm ảnh hưởng đến công năng, đảm bảo an toàn công trình hồ đập, môi trường và giao thông, quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động đa mục tiêu, bảo đảm an ninh, an toàn công trình và nguồn nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Đề án làm cơ sở quản lý, lập kế hoạch, triển khai công tác cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn một cách hợp lý; bảo đảm quá trình thăm dò, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ thiết thực nhu cầu hiện tại và dự báo các giai đoạn; bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, tài nguyên thiên nhiên khác.

Tây Ninh phân bổ đảm bảo trữ lượng tài nguyên khoáng sản phục vụ khu vực phía Nam của tỉnh, dọc tuyến cao tốc, công trình, dự án trọng điểm (cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc Mộc Bài - Xa Mát, sân bay và tuyến đường kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng, khu công nghiệp, đô thị theo quy hoạch tỉnh được duyệt), không gây tác động đến môi trường, định hướng phát triển đô thị và khai thác sử dụng hiệu quả tiềm năng chất lượng khoáng sản của khu vực đưa vào thăm dò, khai thác.

Cũng theo UBND tỉnh Tây Ninh, các khu vực thăm dò, khai thác không nằm trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật; khu vực bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, quốc phòng, công trình công cộng... Ngoài ra, khu vực dự kiến cấp phép thăm dò, khai thác sét gạch ngói, vật liệu san lấp (không bao gồm các khu vực đã được cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định) phải có diện tích từ 15 ha trở lên; độ sâu dự kiến cấp phép thăm dò, khai thác không quá 10 mét đối với sét gạch ngói và không quá 20 mét đối với vật liệu san lấp, tính từ bề mặt địa hình, phù hợp trữ lượng khoáng sản khoanh định.

Đặc biệt, đối với các mỏ cát đang khai thác hiện nay mà qua kiểm tra, giám sát thường xuyên vi phạm đến mức phải thu hồi dự án thì kiên quyết thu hồi dự án theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi thu hồi, nếu xét thấy cần tiếp tục khai thác điểm mỏ, đề xuất UBND tỉnh thực hiện đấu giá đối với đất do Nhà nước quản lý, đấu thầu đối với đất không do Nhà nước quản lý phần trữ lượng còn lại.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, trước đó, Sở Xây dựng tổ chức lập Đề án thăm dò, khai thác sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sở tổ chức lấy ý kiến cơ quan, đơn vị có liên quan, trình UBND tỉnh họp thông qua tại các cuộc họp; công khai thông tin lấy ý kiến tổ chức, cá nhân trên phương tiện thông tin đại chúng và các địa phương trước khi UBND tỉnh phê duyệt Đề án.

Tin, ảnh: Giang Phương (TTXVN)
 Không để hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến đời sống nhân dân
Không để hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến đời sống nhân dân

Tiếp tục Chương trình làm việc, chiều 15/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN