Theo đó, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo; hỗ trợ trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; lĩnh vực chế biến, chế tạo; doanh nghiệp hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Các ngân hàng nhận ủy thác cũng cam kết bố trí nguồn vối đối ứng đầy đủ để đồng tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quỹ chấp thuận vay vốn.
Trong năm 2017, Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, ngân hàng nhận ủy thác, các tổ chức tài chính có liên quan để triển khai tổ chức các hội thảo, chương trình tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, quỹ sẽ hỗ trợ, tư vấn ngay từ khâu lập dự án, phương án sản xuất kinh doanh đến giai đoạn triển khai dự án sau khi vay vốn. Những hoạt động này đảm bảo nâng cao hoạt động của quỹ, cũng như giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ dự án của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nay quỹ đang phối hợp với ngân hàng nhận ủy thác ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai chương trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa trực tuyến.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dự kiến sẽ được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội trong tháng 5 này.
Theo đó, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ thực hiện cho vay, tài trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và huy động các nguồn lực trong nước, quốc tế để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đây là định hướng đúng đắn trong bối cảnh nguồn lực nhà nước có hạn, hoạt động hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm. Quỹ sẽ được bổ sung thêm các chức năng như: Cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp, đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng... sẽ huy động được nguồn lực ngoài nhà nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 1 năm hoạt động (từ tháng 4/2016), đã có trên 1.000 lượt doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận trực tiếp với quỹ qua các hội thảo, các kênh truyền thông và trung tâm tiếp nhận thông tin (Callcenter) để tìm hiểu các chương trình hỗ trợ của quỹ (chưa tính số lượng doanh ngiệp tiếp cận thông tin qua các ngân hàng thương mại nhận ủy thác).
Hiện nay, thông tin về các doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ điều kiện đã được quỹ chuyển cho ngân hàng nhận ủy thác thẩm định phương án vay vốn.
Trong bối cảnh mô hình hoạt động của quỹ là mới ở Việt Nam hiện nay, kết quả nói trên chính là tín hiệu đáng mừng cho thấy tiềm năng, tính khả thi của hoạt động hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tương lai.
Do mới chính thức đi vào hoạt động nên việc đánh giá tác động trực tiếp lâu dài đến hoạt động sản xuất kinh doanh cần được thực hiện sau khi doanh nghiệp nhỏ và vừa đã triển khai dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định (6 tháng, 1 năm, 3 năm...). Quỹ sẽ có đánh giá tác động cụ thể đến từng nhóm đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa...