Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có thực hiện thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến, vận chuyển, buôn bán tôm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, hình thức kiểm tra thường xuyên là hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm soát, ngăn chặn tạp chất trong tôm kết hợp kiểm tra. Đồng thời, đánh giá điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm tra, chứng nhận lô hàng xuất khẩu của các cơ sở theo quy định.
Đối với hình thức kiểm tra đột xuất là hoạt động kiểm tra được thực hiện khi có thông tin vi phạm. Thông tin vi phạm về tạp chất được thu thập từ các nguồn do tổ chức, cá nhân tố giác, thông tin của cơ quan Công an, thông tin về kết quả kiểm soát tạp chất trong tôm của các cơ quan chức năng và thông tin cảnh báo của nước nhập khẩu.
Theo thông tư này, phòng kiểm nghiệm tạp chất phải được cơ quan có thẩm quyền chỉ định các chỉ tiêu tương ứng theo quy định của pháp luật.
Nội dung kiểm tra gồm các giấy tờ liên quan đến hoạt động đăng ký kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; việc quản lý nguyên liệu nhập và sử dụng nguyên liệu để sản xuất kinh doanh tôm. Số lượng sản phẩm đang được sản xuất và kinh doanh, hồ sơ kỹ thuật; kiểm tra hiện trạng khu vực sản xuất, kho nguyên liệu, kho thành phẩm và các khu vực có liên quan...
Đối với việc lấy mẫu, kiểm tra tại chỗ thì đoàn kiểm tra hoặc kiểm tra viên trong trường hợp được phân công kiểm tra độc lập chọn lô tôm nghi ngờ có tạp chất đã xác định được chủ sở hữu hoặc người chịu trách nhiệm để kiểm tra tạp chất theo quy trình kỹ thuật kiểm tra tại chỗ. Lập biên bản kiểm tra kỹ thuật có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra, kiểm tra viên và chữ ký của đại diện cơ sở.
Trường hợp đại diện cơ sở không ký biên bản, biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến hoặc chữ ký của tất cả các thành viên trong đoàn.
Khi kết quả kiểm tra tại chỗ phát hiện lô hàng tôm có tạp chất, đoàn kiểm tra hoặc kiểm tra viên lấy mẫu để lưu lại cơ quan kiểm tra. Mẫu đươc chia làm 3 đơn vị như nhau, được niêm phong có chữ ký của người lấy mẫu, đại diện cơ sở được lấy mẫu.
Việc lấy mẫu được lập thành biên bản và phải nêu rõ thời hạn lưu mẫu tại cơ quan kiểm tra phù hợp với hạn sử dụng của sản phẩm nhưng không quá 15 ngày. Hết thời hạn lưu mẫu mà không có khiếu nại, cơ quan kiểm tra xử lý mẫu lưu theo quy định hiện hành.
Khi phát hiện vi phạm về tạp chất hoặc kết quả kiểm tra tại chỗ kết luận lô tôm có tạp chất, trưởng đoàn kiểm tra lập biển bản vi phạm hành chính theo thẩm quyền; niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương tổ chức tuyên truyền cho các đối tượng liên quan như chủ cơ sở nuôi, cơ sở thu mua, chế biến, sơ chế... về tác hại của tạp chất và các quy định của Nhà nước về kiểm tra, ngăn chặn vi phạm về tạp chất.
Riêng các địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang chỉ đạo thành lập đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin tố cáo vi phạm tạp chất. Lập danh sách các cơ sở thu mua, sơ chế và tổ chức ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm và không sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất.
Thông tư này cũng nêu rõ các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ tạp chất tôm.