Quy định về chủ sở hữu hưởng lợi sẽ góp phần phòng, chống rửa tiền

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ này đang lấy ý kiến đối với việc bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh minh họa: mpi

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp là nội dung mới và quan trọng cần được xin ý kiến rộng rãi để báo cáo các cấp đưa vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Mục đích của việc xây dựng quy định về thu thập thông tin chủ sở hữu hưởng lợi nhằm tìm ra cá nhân cuối cùng thực sự kiểm soát, chi phối hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc hoàn thiện quy định này sẽ góp phần nâng xếp hạng về phòng, chống rửa tiền của Việt Nam và làm minh bạch, lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư, góp phần ngăn chặn và phòng ngừa tội phạm rửa tiền.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, ngày 16/6/2023, Chính phủ Việt Nam đã ký cam kết với Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; bao gồm 17 nội dung hành động cụ thể.

Ngày 23/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia tại Quyết định số 194/QĐ-TTg; trong đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền truy cập kịp thời vào các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân và áp dụng các biện pháp xử lý một cách phù hợp, hiệu quả, tương xứng và có tính chất răn đe đối với các hành vi vi phạm. Thời hạn hoàn thành là tháng 5/2025.

Theo đó, các quy định pháp lý và cơ chế thu thập thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp là một trong những chỉ tiêu của Bộ chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh mới của World Bank; các tổ chức quốc tế (IMF; UN; OECD) đưa vào các tài liệu, văn kiện và tuyên bố, thỏa thuận quốc tế có liên quan.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, hiện Việt Nam đang nằm trong "Danh sách Xám" của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF). Nếu không có sự thay đổi về khung pháp lý, bao gồm cả nội dung về chủ sở hữu hưởng lợi thì FATF có thể xem xét đưa Việt Nam vào "Danh sách đen". Điều này sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh và nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, khu vực tư nhân sẽ chịu nhiều tác động nhất. Những biện pháp này sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động hiệu quả của hệ thống tài chính và gián tiếp ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia.

Việc xây dựng cơ chế thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp là cần thiết, tuy nhiên, việc này phải rất nỗ lực vì cam kết của Chính phủ Việt Nam thời hạn hoàn thành việc sửa đổi pháp lý là tháng 5/2025. Tuy nhiên, thời gian sửa Luật phải thực hiện theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội với nhiều quy trình theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với đó là đa phần cộng đồng doanh nghiệp còn xa lạ với khái niệm này, vì vậy, việc luật hoá các yêu cầu về thu thập thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp cần được truyền thông đầy đủ để việc triển khai được hiệu quả hơn.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, đại diện đơn vị chuyên môn của các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam… đã trao đổi về sự cần thiết của việc xây dựng khung pháp lý về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp; khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi; vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước; trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp; việc công khai các thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi; nguồn lực thực hiện... Điều này đã thể hiện nỗ lực trong việc thực hiện cam kết với FATF, cũng là quyền lợi khi thực hiện theo các chuẩn mực quốc tế.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc việc sửa vấn đề mang tính nguyên tắc trong luật, sau đó sửa kỹ hơn trong các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, nên tập trung vào 2 vấn đề, đó là cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì và doanh nghiệp cần làm gì, để từ đó xây dựng các quy định cụ thể.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh sẽ tiếp tục lấy ý kiến; đồng thời, kết hợp thêm những nghiên cứu trong các quy định của quốc tế để sớm luật hóa những nội dung này vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) giúp nâng cao vai trò quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền, góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thúy Hiền (TTXVN)
Nỗ lực hết sức đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám về phòng, chống rửa tiền
Nỗ lực hết sức đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám về phòng, chống rửa tiền

Chiều 12/12, chủ trì họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống rửa tiền, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã đưa Việt Nam vào Danh sách Xám (danh sách rà soát tăng cường). Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN