Thông tư 09/2020/TT-BCT nêu rõ, kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, nếu nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền thì việc nhập khẩu hoặc tái xuất đó chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở theo quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.
Quy định này được áp dụng cho cả hàng hóa nước ngoài tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan nếu hàng hóa đó được nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền.
Thông tư này áp dụng cho thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan. Ngoài ra là các tổ chức, cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan.
Thông tư số 09/2020/TT-BCT ngày 14 tháng 5 năm 2020 của Bộ Công Thương quy định lộ trình áp dụng cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu, đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 6 năm 2020.
Theo Bộ Công Thương, Thông tư số 09/2020/TT-BCT nhằm thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản quy định việc ngừng cho phép hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất và chuyển khẩu được tạm nhập vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua các điểm thông quan không phải là cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế.
Cùng với đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật công bố lộ trình áp dụng cửa khẩu tạm nhập, cửa khẩu tái xuất đối với hành hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu.
Vì vậy, sau khi lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Hiệp hội thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam và một số doanh nghiệp được cấp mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất và đăng website xin ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Thông tư quy định lộ trình áp dụng cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan.