Nên bỏ hay giữ?
Chủ tịch Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam (VINPA) Bùi Ngọc Bảo cho biết, theo quy định pháp luật, mỗi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ phải mở một tài khoản riêng để theo dõi số tiền chi, trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo thông báo của Bộ Công Thương trong từng kỳ điều hành giá xăng dầu. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý quỹ và báo cáo với liên bộ Công Thương - Tài chính. Nếu không có quyết định chi Quỹ bình ổn giá theo chỉ đạo của liên bộ Công Thương - Tài chính, Quỹ này trên thực tế chỉ gửi tại ngân hàng, còn không tác động đến thị trường.
Theo đó, có doanh nghiệp kết chuyển (hạch toán, chuyển đổi từ kỳ hạn này sang kỳ hạn khác) đúng hạn, có doanh nghiệp chưa đúng hạn, nhưng nhìn chung tổng số tiền kết chuyển này “không thể nhập nhằng” vì còn có khâu hậu kiểm, giám sát của cơ quan quản lý. Do vậy, doanh nghiệp không kết chuyển hoặc nợ Quỹ là vi phạm quy định. Thực tế là trong những năm dịch COVID-19 xảy ra, nhiều thương nhân đầu mối xăng dầu bị thua lỗ do giá bán ở một số thời điểm thấp hơn giá thành, vì vậy không kết chuyển Quỹ bình ổn giá và lâm vào tình trạng nợ Quỹ.
Một thương nhân đầu mối cũng cho biết, trong năm 2022, doanh nghiệp đã phải vay ngân hàng để kết chuyển đủ khi có quyết định chi từ liên bộ Công Thương -Tài chính. Vì vậy, việc kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp trong năm 2022 càng thêm khó khăn trong bối cảnh doanh nghiệp phải nhập dự trữ theo chỉ đạo ở thời điểm giá cao đầu năm, nhưng khi bán ra sau đó lại theo giá biến động trên thị trường ở thời điểm giá thấp.
Theo ông Bảo, Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong những năm trước đây là công cụ của Chính phủ đảm bảo giá xăng dầu không tăng sốc trong bối cảnh thị trường thế giới biến động tăng mạnh. Tuy nhiên, tại thời điểm này, biên độ dao động của giá dầu so với thời điểm thành lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu trước khi Luật giá năm 2012 ra đời đã khác rõ rệt cả về giá và cơ cấu sản phẩm, do đó không còn theo tỷ lệ thuận thuần túy nữa và độ chênh cũng quá lớn. Vì vậy, Quỹ này trên thực tế chỉ bù được một phần và đang tồn tại sai lệch so với thời điểm hình thành. Vì vậy, cơ quan quản lý nên xem xét bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu này, Chủ tịch VINPA cho biết.
Tương tự như vậy, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội) trong nhiều lần trao đổi với báo giới đều nhấn mạnh, Quyết định thành lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã quy định Quỹ này "có tác dụng trong thời điểm 2012-2016". Nhưng, từ đó đến nay, Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn tồn tại.
Trong khi đó, có những thời điểm trong kỳ điều hành (ngày 13/6, 20/6 và 27/6), giá xăng dầu đã tăng mạnh, cụ thể E5 RON92 tăng khoảng 880 đồng/lít trong 3 tuần; giá xăng RON95 tăng khoảng 1.040 đồng/lít trong 3 tuần và dầu diesel tăng khoảng 1.270 đồng/lít trong 3 tuần nhưng liên bộ không trích Quỹ bình ổn.
Thực tế cho thấy, từ tháng 10/2023 đến kỳ điều hành ngày 8/8/2024 vừa qua, liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập cũng như không trích chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong khi kết thúc năm 2023, Quỹ này còn tồn gần 7.000 tỷ đồng. Quỹ bình ổn là để bình ổn giá xăng dầu nhưng trên thực tế Quỹ lại “bất động”, vì vậy cần xem xét sự tồn tại của Quỹ này, ông Vũ Vinh Phú đưa ra quan điểm.
Trong dự thảo mới nhất Nghị định về kinh doanh xăng dầu mà Bộ Công Thương vừa hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định có nêu, thời gian qua, quá trình thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chuyên môn của Đảng, Chính phủ có ý kiến rằng việc trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn theo quy định lâu nay là chưa phù hợp với Luật Giá.
Cũng theo Bộ Công Thương, với việc thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay, mức biến động giá giữa 2 lần điều chỉnh cơ bản không lớn, do đó, tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế - xã hội không lớn, rất ít khi phải dùng đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu.
Thiết lập công cụ bình ổn mới
Chủ tịch VINPA Bùi Ngọc Bảo cho biết, nếu vẫn muốn duy trì Quy bình ổn giá xăng dầu thì nên chuyển quỹ này về Nhà nước quản lý, không nên để doanh nghiệp tự quản lý như hiện nay. Theo đó, cần thiết lập cơ chế hình thành quỹ nộp vào Nhà nước như một khoản thuế và thay đổi cách thức sử dụng; trong đó Quỹ này nên tập trung vào dự trữ xăng dầu quốc gia để khi cần bình ổn giá thì bán hàng dự trữ quốc gia ra thị trường.
Thực tế là tại các nước phát triển, dự trữ xăng dầu quốc gia thường từ 3 đến 6 tháng, thậm chí 9 tháng. Khi giá xăng dầu thế giới cao thì bán ra hoặc dùng để bình ổn thị trường, khi giá thế giới thấp thì mua vào dự trữ để hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc bình ổn giá cũng có thể thực hiện thông qua chính sách thuế, phí hay nghiệp vụ bảo hiểm giá xăng dầu, còn lại để thị trường vận hành. Có như vậy, nguồn cung xăng dầu luôn được đảm bảo, giá cả lại cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, từ đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, Chủ tịch VINPA Bùi Ngọc Bảo cho biết.
Chính phủ cũng đang chỉ đạo nghiên cứu phản ánh kiến nghị về việc thành lập Sàn giao dịch xăng dầu nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khắc phục những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua, trên cơ sở đó có giải pháp triển khai phù hợp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Sàn kinh doanh xăng dầu được vận hành sẽ công khai thông tin về giá cả, khối lượng giao dịch, từ đó giảm thiểu khả năng thao túng giá, tạo cơ chế định giá linh hoạt, nhanh chóng và cải thiện quá trình phân phối, lưu thông xăng, dầu.
Ngày 30/7/2024, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường Trong nước) đã tổ chức Hội thảo thảo luận về việc thành lập Sàn giao dịch xăng dầu. Bộ Công Thương cũng khẳng định tiếp tục lắng nghe ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia về việc thành lập Sàn giao dịch xăng dầu ở Việt Nam để xây dựng được mô hình phù hợp với Việt Nam.