Đây là hoạt động trong chương trình thuộc Dự án "Xây dựng các vườn ươm cải tiến sản xuất cây giống chất lượng cao phục vụ vùng nguyên liệu" tại 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia làm chủ đầu tư.
Theo đó, trong giai đoạn từ 2022 – 2024 dự án đầu tư xây dựng 6 vườn ươm chia đều cho 2 tỉnh, quy mô 1.000 m2/vườn. Bao gồm, diện tích nhà ươm cây mô là 230 m2/nhà, vườn luyện cây và các công trình phụ trợ khoảng 770 m2/vườn. Địa bàn triển khai tại các xã vùng trung du miền núi thuộc vùng nguyên liệu gỗ lớn tại 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Tổng mức đầu tư của dự án gần 6,8 tỉ đồng.
Ông Phan Ngọc Đồng, Chủ nhiệm dự án cho biết: Tại Quảng Trị, dự án phân bổ gần 3,7 tỉ đồng để xây dựng 3 mô hình vườn ươm cải tiến trong thời gian 3 năm (2022, 2023, 2024), công suất đạt trên 500.000 cây/vườn/năm, đảm bảo năng lực sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng. Năm 2022, mô hình được triển khai tại Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ. Tham gia thực hiện mô hình, hợp tác xã được hỗ trợ khung nhà giâm cây giống; các hệ thống che điều tiết ánh sáng phía trên, che điều tiết ánh sáng xung quanh; tưới phun sương, tưới phun mưa; luống giâm hom; bể chứa chìm, trạm bơm cải tiến; các hệ thống đường cấp nước, cấp điện; 100.000 cây mầm keo lai nuôi cấy mô cùng các vật tư thiết yếu. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là gần 900 triệu đồng; trong đó nhà nước hỗ trợ gần 600 triệu đồng, còn lại là đối ứng của hợp tác xã. Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai xây dựng mô hình vườn ươm cải tiến sản xuất cây giống keo lai nuôi cấy mô tại xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh. Tổng kinh phí xây dựng mô hình gần 900 triệu đồng, trong đó được dự án hỗ trợ 70% kinh phí bao gồm khung nhà giâm; hệ thống che điều tiết ánh sáng phía trên và xung quanh; hệ thống tưới phun sương, phun mưa; giống cây và vật tư, thiết bị...
Theo ông Đồng, mô hình vườn ươm chất lượng cao nhằm đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Kết quả bước đầu của 2 mô hình đã triển khai ở Quảng Trị, tỉ lệ cấy mô thành công đạt gần 100%. So với cây giống giâm hom, cây giống nuôi cấy mô phát triển nhanh hơn 20%, có bộ rễ cọc chống chịu tốt hơn với gió bão, thuận lợi cho mô hình trồng rừng gỗ lớn.
Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết, xây dựng vườn ươm và chuyển giao quy trình sản xuất cây giống chất lượng cao sẽ giúp Quảng Trị chủ động trong công tác giống cây lâm nghiệp. Từ đó, giá trị rừng trồng cũng sẽ được nâng cao, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phát triển rừng bền vững gắn với chứng chỉ rừng. Theo ông Cẩn, Quảng Trị đang hướng tới trở thành trung tâm vùng nguyên liệu gỗ khu vực miền Trung. Vì vậy, việc xây dựng các vườn ươm cải tiến giống cây lâm nghiệp sẽ tạo điều kiện tốt nhất để người trồng rừng tiếp cận nguồn giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trồng rừng gỗ lớn, rừng đạt chứng chỉ FSC (chứng nhận về chuỗi hành trình sản phẩm rừng).
Theo thống kê, tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 100.000 ha diện tích rừng trồng sản xuất, sản lượng gỗ khai thác bình quân đạt từ 900.000 - 1.000.000 triệu m3/năm. Toàn tỉnh có 38 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 24 - 26 triệu cây giống. Trong đó, khoảng 96% là các loài keo và 4% là giống các loài cây bản địa phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn.