Quảng Ninh xây dựng quy hoạch tăng trưởng nóng sang tăng trưởng 'xanh'

Quảng Ninh đã sớm quan tâm đặc biệt công tác xây dựng quy hoạch chiến lược với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng nóng (“nâu”) sang tăng trưởng “xanh”

Chú thích ảnh
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn nhìn từ trên cao. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN

Thẳng thắn nhìn nhận về những yếu kém về xây dựng hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông chưa có cơ chế chính sách đột phá nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, từ năm 2010 Quảng Ninh đã chủ động nghiên cứu, đề xuất với Trung ương cho phép thực hiện nhiều dự án hạ tầng với nhiều mô hình mới góp phần đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, cụ thể hóa được Nghị quyết 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược phát triển biển Việt Nam đến năm 2020. 

Có quy hoạch và chính sách tốt

Với mục tiêu phấn đấu xây dựng Quảng Ninh thành một địa bàn động lực, xứng đáng là cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tỉnh Quảng Ninh đã sớm quan tâm đặc biệt công tác xây dựng quy hoạch chiến lược với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng nóng (từ “nâu”) sang tăng trưởng “xanh”.

Ngày 14/9/2014, Quảng Ninh đã tổ chức công bố 7 quy hoạch chiến lược, bao gồm Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trên cơ sở các quy hoạch chiến lược về phát triển kinh tế biển, kinh tế hàng hải đã được xác định, Quảng Ninh luôn tìm tòi các giải pháp nhằm thu hút đầu tư ngoài ngân sách và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, đáp ứng nhu cầu giao thông, kết nối các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường ra biên giới, đường vào khu công nghiệp… góp phần liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện vùng kinh tế trọng điểm ở phía Bắc, thúc đẩy và tăng cường kết nối giao thương với ASEAN và quốc tế trong thời gian tới.

Đến năm 2018, Quảng Ninh đã có được hệ thống hạ tầng giao thông kết nối khá đồng bộ và hiện đại với liên tuyến đường cao tốc kết nối với thủ đô Hạ Nội là tuyến Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn và mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh công bố hợp đồng với đối tác Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức đối tác công - tư, hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) có giá trị hơn 11.195 tỷ đồng.

 Tỉnh Quảng Ninh quy hoạch sắp xếp lại cảng và bến thủy nội địa tiêu thụ than, xóa bỏ các bến, bãi chế biến và xuất khẩu than nhỏ lẻ dọc ven bờ vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long và tại khu vực Cẩm Phả, Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ; xây dựng tuyến đường chuyên dụng vận chuyển than, thay đổi dần phương thức vận chuyển than bằng ô tô sang các phương thức vận tải khác (như vận chuyển bằng băng tải, đường sắt) nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường; chấm dứt các hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời, clinke, xi măng, gỗ dăm trên vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đã di dời thành công các làng chài trên vịnh Hạ Long về khu tái định cư tại phường Hà Phong (thành phố Hạ Long), di dời các nhà bè kinh doanh không theo quy hoạch trên vịnh Hạ Long nhằm bảo vệ môi trường biển, vịnh Hạ Long được an toàn.

Tín hiệu vui thu hút đầu tư kinh tế biển

Chú thích ảnh
Cầu Cẩm Hải là hạng mục thành phần của cao tốc Hạ Long - Vân Đồn được triển khai từ vốn ngân sách đã hoàn thành trong tháng 3. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN

Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành một số nghị quyết về Chương trình hành động cụ thể phát triển kinh tế biển. Trong đó, xác định các vấn đề cơ bản của tỉnh là: Phát triển hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển; phát triển công nghiệp biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; kinh tế thủy sản; du lịch biển; khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Đáng chú ý, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn đầu tư từ ngân sách 10.172 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa 19.828 tỷ đồng). Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 khu công nghiệp thuộc khu vực ven biển, gắn với hệ thống cảng biển, bến, khu bến.

Quảng Ninh đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và nước ngoài đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển theo quy hoạch, như: Công ty SSA Holding International - Việt Nam Inc, Cayman (Hoa Kỳ) liên doanh đầu tư dự án xây dựng và vận hành khai thác cầu tàu số 2, 3, 4 Cảng Cái Lân; Tập đoàn Sun Group đầu tư Bến số 1 (Bến khách Hòn Gai với mục tiêu kết hợp du thuyền - cảng khách quốc tế Hòn Gai)... Một số dự án về đầu tư cảng biển quy mô lớn cũng đang trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Dịp cuối năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư Dự án Phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp đầm nhà Mạc (thị xã Quảng Yên). Liên danh các nhà đầu tư dự án này là Công ty tập đoàn quốc tế CDC (Đảo Cayman), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiện ích Trung Đông (Singapore), Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư hạ tầng Á Châu Hồng Kong. Đây là dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cảng và khu công nghiệp với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, tương đương trên 315 triệu USD.

Hạ tầng giao thông trong tỉnh đang tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hoàn thành đưa vào hoạt động đã kết nối Quảng Ninh với Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, tạo điều kiện thuận lợi cho cảng Cái Lân cũng như các cảng biển khác trên địa bàn kết nối với các trung tâm kinh tế, với các cửa khẩu, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo ưu thế cạnh tranh phát triển cảng biển và logistics.

Từ năm 2017 đến nay đã đánh dấu sự tăng trưởng trở lại của vận tải container đến khu vực cảng biển Quảng Ninh nói chung, bến cảng Cái Lân nói riêng. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đạt 10,1 tỷ USD, thu nộp ngân sách Nhà nước qua các cảng biển đạt 10.300 tỷ đồng. Từ đầu năm 2018  đến nay, đã có trên 18.000 chuyến tàu biển làm hàng tại các cảng của Quảng Ninh, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng lượng hàng hóa thông qua đạt gần 59 triệu tấn, tăng 37% so cùng kỳ năm 2017. Kết quả trên có được là nhờ Quảng Ninh có quyết sách đúng đắn và sáng tạo trong thực hiện chiến lược biển Việt Nam là ưu tiên phát triển hạ tầng đồng bộ và hiện đại.

(TTXVN)
Sẽ xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với kinh phí 11.195 tỷ đồng
Sẽ xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với kinh phí 11.195 tỷ đồng

Dự án đường cao tốc sẽ đi qua các huyện: Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh, tổng diện tích sử dụng đất là 456,2 ha. Dự án có tổng chiều dài xây dựng là 80,2 km.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN