Quản lý thị trường lúng túng với cá tầm 'đi lạc'


Vụ việc đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11 huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn bắt được 4 tấn cá tầm “đi lạc” vào địa bàn cách đây hơn 1 tháng chưa được xử lý dứt điểm, nay trở nên phức tạp hơn khi chủ lô hàng kiện ngược đòi bồi thường số cá đã bị tiêu hủy. Vụ việc khiến Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn lúng túng trong khâu xử lý, phải “cầu cứu” các cơ quan chức năng.

Bể nuôi cá tầm. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN


*Cá tầm “lạc đường”


Ngày 27/6, Đội QLTT số 11 huyện Tràng Định đã phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện này dừng và khám xe tải mang biển kiểm soát 14C - 06288 do tài xế Ngô Thanh Minh điều khiển, chở 4 tấn cá tầm. Ở thời điểm đó, lái xe đã không xuất trình đủ các giấy tờ hợp pháp. Khi bị tạm giữ, chiếc xe chạy theo hướng từ biên giới về thị trấn Thất Khê, lái xe khai mang cá lên Cao Bằng bán nhưng đi "nhầm đường" và đã bỏ đi sau khi xe bị tạm giữ.

Theo Chi cục cục QLTT Lạng Sơn, qua xác minh một người tên là Lê Văn Hành, trú tại xã Thạch Đồng tham gia bốc vác cá lên xe khai: Khoảng 15h chiều ngày 27/6, một người tên là Hiếu ở làng Bản Nầm gọi điện rủ tôi đi bốc hàng và được Hiếu đưa đến mốc 990 thuộc thôn Nặm Xà, xã Đội Cấn, huyện Tràng Định. Tại đây đã có hai xe ô tô đấu đuôi vào nhau (xe Việt Nam màu trắng, xe Trung Quốc màu đỏ), tôi đã lên xe Trung Quốc bốc hàng chuyển sang xe Việt Nam. Loại hàng bốc sang là cá lần đầu mới thấy, có đặc điểm đầu nhọn, lưng sẫm. Trên xe Trung Quốc có 5 bể nhỏ chứa cá, xe Việt Nam có 4 thùng to, 1 thùng nhỏ và 1 dụng cụ sục oxy; xong việc tôi được Hiếu trả công 500.000 đồng.

Khi chiếc xe tải bị tạm giữ tại huyện Tràng Định, Lê Văn Hành đã khẳng định chiếc xe tải mang biển kiểm soát 14C-06288 là chiếc xe Việt Nam anh ta đã chuyển cá sang. Tuy nhiên, tại cơ quan chức năng, người đã gọi Lê Văn Hành cùng tham gia bốc hàng tên là Hiếu đã không thừa nhận việc rủ Hành tham gia bốc hàng hôm đó.

Ngoài ra, Đội Quản lý thị trường số 11 đã xác minh được các nhân chứng là các ông bà: Nông Thị Bình, Đàm Văn Khít, Triệu Văn Hải, Hoàng Văn Bé, Đàm Thị Thơm, Vi Thị Thoa đều là người thôn Nặm xà, xã Đội Cấn, huyện Tràng Định đã trông thấy nhiều người bốc cá ở mốc 990 vào thời điểm trên.

Đội QLTT số 11 đã tiến hành khám xét toàn bộ lô cá tầm trên xe và đề nghị tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên xe để xác minh nguồn gốc xuất xứ; đến ngày 30/6, UBND huyện Tràng Định nhận được công văn xử lý hàng hóa từ đội QLTT số 11 về việc thành lập hội đồng xử lý theo khoản 3 điều 61 Pháp lệnh xử phạt hành chính; ngày 1/7, sau khi kiểm tra thấy số cá đã chết, UBND huyện Tràng Định đã tổ chức tiêu hủy.

*Vụ việc ngoài "tầm với" cơ quan QLTT Lạng Sơn

Đến ngày 9/7, chủ lô hàng là ông Nguyễn Văn Nghiêm (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) đã có đơn khiếu nại gửi Chi cục QLTT Lạng Sơn. Phía chủ hàng khẳng định lô cá tầm bị đội QLTT số 11 tạm giữ sau đó tiêu hủy có nguồn gốc xuất xứ và đầy đủ hồ sơ hợp pháp, chủ hàng đã đưa ra Biên bản xác nhận nguồn gốc cá tầm thương phẩm và Hợp đồng kinh tế.

Hợp đồng kinh tế là hợp đồng mua bán cá tầm giữa ông Nguyễn Văn Nghiêm (bên mua) và ông Bùi Thanh Vân (bên nuôi cá). Theo hợp đồng này ông Nghiêm mua cá của ông Vân với giá 180.000 đồng/kg. Còn tờ Biên bản xác nhận nguồn gốc cá tầm thương phẩm là một tờ giấy viết tay có nội dung: “Hôm nay ngày 15/5/2013, tại hồ Khe Chảo, xã Long Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang), UBND xã Long Sơn cùng hộ gia đình ông Bùi Thanh Vân, trú tại 56, Hồ Công Dự, Lê Lợi, thành phố Bắc Giang, kiểm tra xác định hộ ông Bùi Thanh Vân đang nuôi trồng thủy sản tại hồ Khe Chảo, xã Long Sơn, trong đó có cá tầm thương phẩm, số lượng 80.000.000 con, sản lượng ước tính 2 năm 2013 + 2014 đạt khoảng 60 tấn”. Biên bản này có xác nhận của ông Ngọc Tiến Lệ - Chủ tịch UBND xã Long Sơn và có đóng dấu đỏ của UBND xã. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực nuôi cá tầm số lượng 80 triệu con cá tầm nuôi tại hồ Khe Chảo là một con số “không có thực” bởi sản lượng ước tính 60 tấn cá chỉ tương đương với khoảng 15.000 con cá giống.

Ông Dương Văn Sinh, Tổ trưởng tổ xác minh khiếu nại của Chi cục QLTT Lạng Sơn cho biết ngày 15/7 Chi cục QLTT Lạng Sơn nhận được đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Nghiêm. Ngày 29/7, sau hai tuần xác minh Chi cục QLTT Lạng Sơn đã mời ông Nguyễn Văn Nghiêm đến để công bố quyết định giải quyết khiếu nại.

Tuy nhiên, buổi công bố đã bất thành với lý do người được ông Nghiêm ủy quyền là ông Phạm Văn Long (đồng thời là chủ xe ô tô 14C - 06288) đã không có giấy ủy quyền hợp pháp và thời gian làm việc giữa hai bên tiếp tục được hẹn đến ngày 2/8 nhưng cũng không thành vẫn vì lý do người được ủy quyền không có giấy ủy quyền hợp pháp. Do đó, hai bên tiếp tục “thỏa thuận” về việc đặt lịch tiến hành lần gặp sắp tới.

Ông Phạm Văn Long khẳng định bộ giấy tờ đã trình với cơ quan chức năng Tràng Định là đủ để lưu hành, vận chuyển, chuyên chở trong nước. Đồng thời, trái ngược với thông tin của phía QLTT Lạng Sơn đưa ra là tài xế không hợp tác, ông Long cho biết mình cũng có mặt tại Tràng Định sau khi xe bị tạm giữ. Thậm chí buổi chiều 28/6 khi đến làm việc tại Công an huyện Tràng Định, chủ hàng còn phải ngồi chờ cả buổi chiều. Ông Long còn cho biết thêm, trước khi chuyến hàng này bị tạm giữ 12 ngày, xe 14C- 06288 cũng đã vận chuyển cá tầm và bị Cảnh sát giao thông huyện Tràng Định dừng xe nhưng chỉ bị xử phạt hành chính vì vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Hiện Chi cục QLTT Lạng Sơn đã phải “cầu cứu” cơ quan Công an xác minh, làm rõ nguồn gốc số cá tầm đã bị tiêu hủy. Điều này cho thấy sự “lúng túng” khi xử lý vụ việc của Chi cục QLTT Lạng Sơn. Chính ông Nguyễn Thắng Lợi, Chi Cục trưởng Chi cục QLTT Lạng Sơn cũng thừa nhận “đây là vụ việc phức tạp”. Lý do của sự phức tạp được ông Lợi giải thích là do Đội QLTT số 11 còn non về nghiệp vụ đã không đấu tranh lấy lời khai của tài xế ngay sau khi tạm giữ lô hàng nên vụ việc hiện đã nằm ngoài “tầm với” của Chi cục QLTT và phải chờ xác minh từ phía cơ quan Công an.


Thái Thuần - Hoàng Nam
Tăng cường kiểm soát buôn bán cá tầm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có công điện gửi các địa phương và các bộ ngành liên quan yêu cầu tăng cường kiểm soát buôn bán quốc tế các mẫu vật thuộc Công ước CITES, đặc biệt là cá tầm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN