Quản lý minh bạch các dự án BOT giao thông

Dư luận xã hội đang có nhiều ý kiến phản biện về hiệu quả, sự minh bạch trong quản lý nguồn vốn đầu tư, thời gian thu phí hoàn vốn, thất thoát thu phí, trách nhiệm của chủ đầu tư tại các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) giao thông đã triển khai.

Suất đầu tư BOT cao hơn công trình thường

Hai cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là hai điển hình của các dự án BOT khi đi vào khai thác đến nay đã giúp các phương tiện tiết kiệm đáng kể thời gian lưu thông, tiết giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện... so với khi công trình chưa được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, đằng sau hiệu quả này, dư luận vẫn còn băn khoăn về suất đầu tư quá cao, dự án bị đội vốn và làm thế nào để chống thất thoát phí thu.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Quy trình đầu tư các dự án BOT không khác gì các công trình sử dụng vốn ngân sách. Tất cả các khâu thiết kế, thi công, định mức dự toán, công tác thanh tra, kiểm toán... đều được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt, nhà đầu tư chỉ việc thực hiện. Do vậy, không có chuyện dự án BOT bị đội vốn so với tổng mức đầu tư được phê duyệt.

Các dự án BOT khi đi vào khai thác giúp tiết kiệm đáng kể thời gian lưu thông.

“Để triển khai một dự án BOT, thông thường nhà đầu tư sẽ góp vốn chủ sở hữu từ 10 - 20% trong tổng mức đầu tư, còn lại 80 - 90% là vốn của ngân hàng tài trợ tín dụng. Phương án tài chính của các dự án BOT bao gồm cả chi phí lãi suất rất lớn của ngân hàng, trong khi với dự án sử dụng ngân sách sẽ không phải chịu lãi suất này, nên suất đầu tư BOT sẽ cao hơn so với công trình sử dụng ngân sách cùng quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật. Bộ GTVT không thể bắt các nhà đầu tư làm dự án BOT, bởi doanh nghiệp phải nhìn thấy lợi nhuận họ mới tham gia. Chẳng hạn, Bộ GTVT đã kêu gọi các nhà đầu tư triển khai các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, nhưng đến nay không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia...”, Thứ trưởng Trường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết: Quy trình đầu tư một dự án BOT từ chủ trương đầu tư, quá trình triển khai xây dựng, khai thác vận hành đều được thực hiện chặt chẽ. Trước tiên, dự án BOT phải căn cứ vào quy hoạch kinh tế xã hội các địa phương có phù hợp với chủ trương đầu tư hay không, có khả năng thu hút nguồn vốn thương mại, huy động được nguồn lực tư nhân và có khả năng cung cấp nguồn lực ổn định. Bên cạnh đó, danh mục đầu tư các dự án phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương, sau đó Bộ GTVT công khai danh mục các dự án để các nhà đầu tư quan tâm, đấu thầu. Khi quyết định chủ trương đầu tư thì phải có đầy đủ các bộ ngành tham gia như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, chính quyền địa phương...

Quy trình lựa chọn nhà đầu tư tại các dự án BOT được tiến hành công khai trên cơ sở nhà đầu tư được lựa chọn phải đáp ứng được yêu cầu về tài chính, kinh nghiệm xây dựng kết cấu hạ tầng. Đối với dự án chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia sẽ áp dụng cơ chế chỉ định thầu. Còn lại, dự án nào có từ hai nhà đầu tư trở lên, Bộ GTVT tiến hành đấu thầu rộng rãi. Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư, tổ công tác liên ngành gồm đại diện các Bộ GTVT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và chính quyền địa phương nơi dự án đi qua tiến hành đàm phán với nhà đầu tư về hợp đồng dự án với các nội dung liên quan đến phương án tài chính, mức thu phí, thời gian hoàn vốn... Hợp đồng chính thức giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư chỉ được ký kết khi dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời nhà đầu tư phải góp đủ vốn chủ sở hữu và ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng theo quy định.

Ngoài ra, để lựa chọn nhà đầu tư, mỗi dự án BOT thường có từ 15 - 20 thành viên đại diện cho 10 bộ ngành liên quan và có sự giám sát chặt chẽ của các bên. Quá trình từ cấp phép tới xin ý kiến các Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầy đủ thì Bộ GTVT mới chính thức phê duyệt tiến hành dự án. Như vậy, theo ông Huy, mỗi dự án BOT có sự tham gia của khoảng 10 đầu mối bộ ngành để giám sát sự minh bạch.

Sẽ công khai chi phí từng dự án

Trao đổi về vấn đề chống thất thoát thu phí, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, hiện có 4 cơ quan theo dõi, giám sát quá trình thu phí hoàn vốn tại các trạm thu phí BOT gồm: Bộ GTVT, ngân hàng tài trợ vốn, Nhà đầu tư và các cơ quan thuế. Ngoài ra, các cơ quan chức năng khác như: Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính... thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra giám sát, vì thế không thể có chuyện thất thoát thu phí.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chia sẻ: Trong hoạt động kinh tế, doanh nghiệp bao giờ cũng muốn đạt được doanh thu cao nhất, nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải kiểm soát chặt doanh thu tại các dự án. Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai thu phí không dừng, công nghệ này không có sự can thiệp của con người nên không thể thất thoát một đồng nào khi xe qua trạm.

Dư luận đặt vấn đề về thực tế hiện nay, phương tiện đi đường cải tạo nâng cấp hay đi đường làm mới đều bị thu phí vào trạm 35.000 đồng có bất hợp lý?. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay: Bộ Tài chính ban hành mức khung thu phí đối với từng dự án cụ thể dựa trên cơ sở tính toán từng chi phí đầu tư, lưu lượng phương tiện để đảm bảo phương án thu hồi vốn. Dự án làm mới hay tăng cường (thảm mặt đường) đều là hoạt động đầu tư được tính toán trên cơ sở phí đầu tư và lưu lượng và thời gian thu phí cụ thể. Thêm vào đó, nhà đầu tư đầu tư vào dự án đều mong được hoàn vốn sớm nhất. Đầu tư hết bao tiền thì phải hoàn vốn lại. Như xe tiêu chuẩn hiện nay là 35.000 đồng, nhưng xây dựng khác nâng cấp. Nâng cấp ít tiền hơn thì thời gian hoàn vốn ít hơn. Đối với những dự án nâng cấp, nếu mức phí thấp hơn, thời gian thu phí dài hơn. Điều này còn phụ thuộc vào các ngân hàng cho vay, vì họ bao giờ cũng muốn rút ngắn thời gian hoàn vốn.

“Tới đây, Bộ GTVT sẽ công khai rộng rãi hơn về quy mô, thời gian thu phí, mức phí từng dự án BOT để người dân biết; đồng thời yêu cầu các cơ quan chuyên môn lập hồ sơ các dự án BOT lưu tại Bộ để các cơ quan, tổ chức nào cần nghiên cứu, có thể tham khảo giám sát. Với cách này, người dân có thể giám sát nhiều hơn các dự án BOT...”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cienco4 Nguyễn Tuấn Huỳnh: Không có chuyện “ăn gian” ở dự án BOT 

Nhiều công trình giao thông phải mất 10 năm mới quyết toán được, nên dự án mới làm xong không thể nói là đội vốn được. Khi dự án có giá trị cuối cùng, các cơ quan chức năng mới có cơ sở điều chỉnh thời gian thu phí và mức phí. Vì thế không thể nói có chuyện “ăn gian” ở đây. Doanh nghiệp đang rất muốn tiếp tục triển khai các dự án BOT, nhưng nếu tình hình như thế này thì rất lo. Thời gian thu phí có thể chậm, kéo dài ra, nhưng các chính sách phải ổn định, chắc chắn để nhà đầu tư yên tâm. Doanh nghiệp cam kết, nếu làm sai gì, cơ quan kiểm toán, quản lý nhà nước cứ thanh tra, xử lý. 

Chuyên gia kinh tếVũ Đình Ánh: Hài hòa lợi ích mới minh bạch được 

Trong hợp đồng BOT có 3 “vai”, thứ nhất là cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương. Thứ hai là chủ đầu tư. Thứ ba là người sử dụng công trình BOT. Vấn đề đặt ra hiện nay là có hay không chuyện thất thoát và minh bạch trong xây dựng, thu phí hoàn vốn BOT. Như cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư thông tin, thì quá trình đầu tư làm rất đúng, chuẩn theo quy trình, một quy trình rất phức tạp, nhiều cơ quan giám sát. Vậy chắc chắn sẽ không có chuyện dự án 1.000 tỷ đồng đội vốn lên 2.000 tỷ đồng được. Thế nhưng vẫn có dự án bị đội vốn, vậy vấn đề giám sát, công khai minh bạch đã chuẩn mực chưa? Hệ thống công khai giám sát hiện mới chỉ dừng ở 2 mối quan hệ là cơ quan quản lý nhà nước - chủ đầu tư. Còn liên quan đến chủ thể thứ ba - người sử dụng dự án BOT, lại chưa được tiếp cận thông tin minh bạch, công khai. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế đảm bảo lợi ích hài hòa giữa cả ba vai mới minh bạch được. 

TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội: Không để nhà đầu tư BOT “nhào nặn” báo cáo doanh thu 

Tại các dự án BOT, quan trọng nhất là phải xây dựng được các tiêu chí, định mức rõ ràng để có thể kiểm soát, xử lý, không thể chỉ dựa vào sự chấp thuận, đồng thuận với các nhà đầu tư khi ban hành mức thu phí như hiện nay của Bộ Tài chính. Cùng đó, cần phải siết chặt công tác kiểm toán của các dự án. Để làm được việc này, cần có các công ty, đơn vị kiểm toán đủ năng lực, độc lập và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm toán của mình. Có như vậy, các nhà đầu tư mới không thể “nhào nặn” báo cáo doanh thu.


Đăng Sơn
Đề nghị lùi thu phí dự án BOT là chưa phù hợp
Đề nghị lùi thu phí dự án BOT là chưa phù hợp

Bộ Tài chính cho biết, ngày 30/12/2015, Bộ Tài chính nhận được công văn số 17178/BGTVT - TC ngày 25/12/2015 của Bộ Giao thông vận tải đề nghị lùi thời hạn điều chỉnh mức thu phí hoàn vốn của 23 Dự án BOT (có lộ trình tăng phí kể từ ngày 1/1/2016) đến ngày 1/6/2016 (lùi thời gian thực hiện 5 tháng).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN