Quản lý hải quan đang đối mặt nhiều thách thức lớn

Nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng mở cửa nên quy mô, kim ngạch xuất nhập khẩu đã lớn gấp đôi GDP. Các hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng gia tăng mạnh mẽ, do vậy quản lý hải quan đang gặp những thách thức lớn.

Ngày 4/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức hội thảo lấy ý kiến của doanh nghiệp về “Dự thảo thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa”. 

Chú thích ảnh
Làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa tại Hải quan cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Theo đó, Bộ tiêu chí đánh giá về sản xuất, buôn bán hàng hóa, thuế hải quan dùng để phân loại tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp trong lần soạn thảo này dự kiến sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, trong thời gian gần đây các bộ, ngành đã tích cực cải cách thủ tục hành chính xuất nhập khẩu hàng hóa theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Là một trong những ngành đi đầu trong xu hướng này, ngành hải quan đã tích cực áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu quản lý hải quan, chuyển căn bản từ tiền kiểm sang hậu kiểm, rút gắn thời gian thông quan, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước. Báo cáo của VCCI về thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 công mới đây cho thấy, chỉ có 43% doanh nghiệp tại Việt Nam được hỏi đánh giá cảm thấy lĩnh vực thương mại qua biên giới có sự thay đổi tích cực.

Tất nhiên, thương mại qua biên giới không chỉ là của riêng ngành hải quan mà còn là một phần rất quan trọng trong thủ tục kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành khác, ông Phòng cho hay.

Theo ông Phòng, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng mở cửa nên quy mô, kim ngạch xuất nhập khẩu đã lớn gấp đôi GDP. Các hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng gia tăng mạnh mẽ, do vậy quản lý hải quan đang gặp những thách thức lớn.

Thách thức đầu tiên là gia tăng khối lượng công việc khi hàng hóa xuất nhập khẩu gia tăng cả về khối lượng và tính đa dạng của các mặt hàng. Chắc chắn ngành hải quan không thể tăng nhanh bộ máy. Cách tiếp cận phù hợp là cần áp dụng phương pháp quản lý rủi ro dựa trên đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Đây được xem là khâu trọng yếu, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước vừa giúp lãnh đạo doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và qua đó nền kinh tế sẽ thu được lợi ích và doanh nghiệp cũng sẽ được lợi ích từ  tiến trình này.

Khi thủ tục thông quan nhanh chóng, nhờ được phân loại hàng hóa rủi ro cao sẽ giúp giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Về phía cơ quan nhà nước sẽ tăng cường hiệu quả quản lý khi xác định được những hàng hóa có nguy cơ cao về buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Về dài hạn sẽ tạo lập văn hóa tuân thủ pháp luật và giảm ngánh nặng hành chính cho doanh nghiệp chấp hành pháp luật tốt, tạo động lực để doanh nghiệp triệt để tuân thủ pháp luật tốt hơn.

Việc Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu, đề xuất xây dựng Thông tư quy định tiêu chí đánh giá và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa đã tạo ra khung khổ pháp luật cần thiết để hướng đến các mục tiêu quan trọng.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan trong nhiều năm qua đã tổ chức nhiều cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, áp dụng thủ tục hải quan điện tử, tự động hóa trong quá trình thông quan, giám sát hải quan tự động, cảng biển, hàng không, thực hiện chương trình quản lý ứng dụng công nghệ thông tin, thanh toán điện tử qua ngân hàng,…

Tuy nhiên, để những hoạt động này có hiệu quả, ngành hải quan đang xem xét để rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo những quy định của ngành hải quan được minh bạch.

Hiện nay, ngành hải quan đang áp dụng biện pháp quản lý rủi ro, đây là biện pháp được hầu hết hải quan các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Đây cũng là phương pháp quản lý nhằm tối ưu hóa nguồn nhân lực, đồng thời quản lý hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát của ngành hải quan.

Phương pháp quản lý rủi ro dựa trên cơ sở đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp để quản lý. Hay nói cách khác là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tiền kiểm chỉ kiểm tra ở một mức độ nhất định tối thiểu còn lại là kiểm tra sau thông quan.

Theo ông Cường, về cơ bản hiện nay hải quan Việt Nam áp dụng 3 luồng chính để kiểm tra là: Xanh, Vàng, Đỏ. Mỗi luồng hàng được phân loại nói lên mức độ đánh giá của cơ quan hải quan đối với hàng hóa trong quá trình quản lý rủi ro. 

Theo đó, luồng xanh là luồng được miễn kiểm tra kể cả hồ sơ và hàng hóa (chiếm 60%), luồng vàng chỉ kiểm tra hồ sơ (chiếm 35%) và luồng đỏ hiện nay là 5%. Hiện nay tỷ lệ này phù hợp với thông lệ quốc tế, hải quan các nước cũng đang áp dụng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, lần này ngành hải quan dự kiến sẽ phân loại doanh nghiệp thành 4 loại thay vì 3 loại như hiện nay, đó là tuân thủ cao, tuân thủ trung bình, tuân thủ thấp và không tuân thủ.

Trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, cơ quan hải quan sẽ thực hiện việc áp dụng các chính sách ưu đãi, biện pháp quản lý để đạt được 2 mục tiêu là tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại. 

Tại hội nghị, đại diện Công ty Tư vấn thuế C&A cho rằng, bản dự thảo đã thể hiện được mong muốn của các doanh nghiệp khi có được thông tin cơ quan hải quan đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về hải quan. Các căn cứ tiêu thức phân loại đánh giá nhằm giúp doanh nghiệp phấn đấu thực hiện tốt hơn pháp luật về hải quan.

Đại diện Công ty Tư vấn thuế C&A kiến nghị, cơ quan hải quan cần tổ chức phân loại thử tiêu chí được đưa ra để xác định cách phân loại hợp lý, phù hợp với năng lực quản lý của cơ quan hải quan, tránh trường hợp khi phân loại thực tế các doanh nghiệp có quá nhiều doanh nghiệp phân vào loại 3 và 4, năng lực quản lý của cơ quan hải quan không đáp ứng được.

Công ty này cho rằng, cần lựa chọn tiêu chí để đánh giá thực chất hoạt động của doanh nghiệp. Việc có quá nhiều tiêu chí khiến doanh nghiệp rất khó nhận biết mình đã vi phạm tiêu chí nào trong khi đó quy định thời gian khắc phục là quá lâu (365 ngày). Theo đại diện công ty, ngành hải quan nên xây dựng tiêu chí đơn giản, dễ nhớ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Chu Hiền, Trọng tài viên, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tại Điều 2 của dự thảo, việc đánh giá xếp hạng theo các tiêu chí này do Cơ quan hải quan chủ trì thực hiện với sự tham gia của các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, ông Hiền cho rằng, cần nêu rõ cụ thể tên các cơ quan gia, nhằm tránh việc phải lấy nhận xét của quá nhiều cơ quan có thẩm quyền, nhưng lại không phải là cơ quan chuyên môn trong một lịch vực cụ thể nhất định để đưa ra nhận xét đánh giá.

Văn Giáp (TTXVN)
Giảm được gần 2 ngày thời gian thông quan hàng xuất nhập khẩu
Giảm được gần 2 ngày thời gian thông quan hàng xuất nhập khẩu

Thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO (TFA) do Tổng cục Hải quan (TCHQ) khởi xướng, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (TCHQ) cho hay: TFA sẽ giúp tiết kiệm được 1,5 ngày thời gian thông quan hàng nhập khẩu và gần 2 ngày thông quan hàng xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN