Theo Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, từ ngày 22 - 24/6, tại 6 vùng nuôi thủy sản của xã Xuân Cảnh xảy ra tình trạng tôm hùm và cá chết. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, số lượng tôm hùm thịt bị chết khoảng 1,7 tấn; tôm hùm (từ 1 - 2 tháng tuổi) chết hơn 6.000 con; cá các loại chết hơn 44,7 tấn. Toàn xã Xuân Cảnh có 88 hộ nuôi có tôm hùm, cá chết; ước thiệt hại hơn 7,3 tỷ đồng.
Các hộ nuôi thủy sản cho biết, thời điểm cá chết, nước trong khu vực nuôi có hiện tượng phân tầng nhiệt độ (tầng đáy nóng, nhiệt độ cao hơn so với tầng mặt). Nước tại khu vực có cá chết mùi hôi, màu nước trắng đục, các loại cá tự nhiên ngoài các bè nuôi cũng bị chết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đã kiểm tra và nhận định nguyên nhân gây chết tôm hùm, cá do hàm lượng oxy hòa tan DO rất thấp kéo dài (dự báo khoảng 2 - 3 mgO2/l), dưới ngưỡng chịu đựng của các loài cá nuôi. Việc thiếu oxy là do mật độ lồng nuôi quá dày. Bên cạnh đó, nhiều bè nuôi nhuyễn thể để làm thức ăn cho tôm hùm gây cản trở nước lưu thông và tiêu thụ nhiều oxy vào ban đêm, dẫn đến thiếu oxy cục bộ.
Thời gian trước khi cá chết, tại khu vực này thường có gió Tây Nam hoạt động, thời tiết nắng nóng bất thường (có nơi lên đến 39 độ C) kết hợp với mưa dông vào chiều tối đã gây hiện tượng phân tầng nhiệt (trên mặt mát, dưới đáy nóng); thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ tầng đáy, tiêu hao hàm lượng oxy hòa tan, phát sinh khí độc... ảnh hưởng trực tiếp cá nuôi và các loài cá tự nhiên.
UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các địa phương có nuôi trồng thủy sản tăng cường quản lý vùng nuôi, có biện pháp phù hợp để tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thực hiện các quy định về quản lý nuôi trồng thủy sản, các giải pháp phòng chống dịch bệnh và hạn chế sự cố môi trường trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè nói riêng.
Trước đó, từ ngày 18 - 23/5 tại thị xã Sông Cầu đã xảy ra tình trạng tôm hùm, cá nuôi và cá tự nhiên chết hàng loạt với 281 hộ nuôi; 1.631 lồng tôm hùm và cá biển bị ảnh hưởng; ước tổng thiệt hại của người nuôi là hơn 38,4 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ 42 khách hàng thiệt hại do tôm hùm nuôi chết hàng loạt ở thị xã Sông Cầu vào tháng 5 vừa qua với dư nợ gần 9,4 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên áp dụng các giải pháp xử lý nợ rủi ro theo quy định riêng gồm: gia hạn nợ đối với khách hàng có mức độ thiệt hại về vốn và tài sản dưới 40%; khoanh nợ đối với khách hàng có mức độ thiệt hại về vốn và tài sản từ 40-100%.
Hiện, các ngân hàng tiếp tục theo dõi và tạo điều kiện cho vay mới đối với khách hàng có nhu cầu; cho vay với lãi suất ưu đãi để khách hàng có điều kiện phục hồi sản xuất.