Phú Yên: Ban hành giá bồi thường cây trồng khi thu hồi đất làm đường cao tốc

Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên vừa ban hành đơn giá cây trồng để thực hiện việc bồi thường, khi nhà nước thu hồi đất. Đây là cơ sở để các địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng đối với dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Theo Quyết định số 1468/QĐ-UBND, ngày 9/12/2022 do ông Lê Tấn Hổ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên ký, cách thức xác định bồi thường đối với cây trồng gồm loại cây hàng năm và cây lâu năm.

Giá bồi thường cây hằng năm được xác định theo “một loại cây trồng chính” tại địa phương với “năng suất của vụ cao nhất trong 3 năm trước liền kề”. Năng suất của loại cây trồng chính đó được áp dụng cho tất cả các loại cây hàng năm khác tại nơi có đất thu hồi để tính bồi thường.

Ở khu vực đồng bằng, chủ yếu trồng lúa, ngô, rau màu ngắn ngày các loại xác định cây lúa là cây trồng chính để tính bồi thường. Với cách tính này, giá bồi thường đối với cây lúa là 5.566 đồng/m2.

Ở khu vực trung du, miền núi chủ yếu trồng mía, sắn, ngô, rau màu ngắn ngày các loại; tùy điều kiện cụ thể mà lựa chọn cây mía hoặc cây sắn là cây trồng chính để tính bồi thường. Cụ thể, giá bồi thường cây sắn là 6.188 đồng/m2 và giá cây mía là 7.311 đồng/m2.

Đơn giá bồi thường cây lâu năm được xác định giá trị vườn cây lâu năm thời kỳ cơ bản (chưa cho sản phẩm thu hoạch) thì giá trị hiện có của vườn cây là toàn bộ chi phí đầu tư (các khoản chi phí vật tư, chi phí nhân công, chi phí máy móc, thiết bị và các chi phí khác) đến thời điểm thu hồi đất tính thành tiền theo thời giá thị trường tại địa phương.

Cây trồng đang ở thời kỳ kinh doanh (thu hoạch quả, hạt, dầu, nhựa, thân cây...) thì giá trị hiện có của vườn cây là toàn bộ chi phí đầu tư (các khoản chi phí vật tư, chi phí nhân công, chi phí máy móc, thiết bị và các chi phí khác) đến thời điểm thu hồi đất tính thành tiền theo thời giá thị trường…

Giá trị bồi thường cao nhất cho cây lâu năm là cây xoài có đường kính gốc lớn hơn hoặc bằng 45 cm đã cho quả (cây chiết, ghép) là 2.160.000 đồng/cây và thấp nhất là cây dâu tằm 2.400 đồng/bụi...

Tại tỉnh Phú Yên các dự án thành phần công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn của 6 huyện, thị xã, thành phố Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa, tổng diện tích đất sử dụng cho dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt là 885,57 ha.

Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 28/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 20/11 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023 theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân; trong đó có việc chưa ban hành đơn giá đền bù đối với cây trồng dẫn đến tiến độ triển khai giải phóng mặt bằng tại các địa phương đều chậm so với tiến độ đăng ký.

Xuân Triệu (TTXVN)
Hoàn thành cắm mốc giải phóng mặt bằng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua An Giang
Hoàn thành cắm mốc giải phóng mặt bằng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua An Giang

Tại kỳ họp cuối năm 2022 (kỳ họp thứ 11) của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, khai mạc sáng 12/12, báo cáo tình hình thực hiện Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã hoàn thành cắm mốc giải phóng mặt bằng để đảm bảo dự án khởi công trước ngày 30/6/2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN