Hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến đường chân núi vườn Quốc gia Ba Vì

Tuyến đường chân núi vườn Quốc gia Ba Vì đi Ao Vua được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2019 với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng, có chiều dài toàn tuyến hơn 3km, mặt cắt khoảng 11m.

Tuy nhiên, do vướng mặt bằng nên dự án chậm triển khai. Trước yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ngày 23/11, UBND huyện Ba Vì đã tiến hành cưỡng chế giải phóng mặt bằng đối với 3 hộ dân thuộc thôn Đầm Bát, xã Tản Lĩnh.

Chú thích ảnh
Huyện Ba Vì (Hà Nội) huy động phương tiện cơ giới thực hiện cưỡng chế tháo dỡ, cây, tường rào... trong phạm vi giải phóng mặt bằng. Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN

Theo ông Phạm Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh, lý do các hộ dân chưa bàn giao giải phóng mặt bằng vì cho rằng giá đền bù cây cối, công trình trên đất còn chưa thỏa đáng. Trước thực tế này, các ngành, đoàn thể của huyện và xã đã nhiều lần gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, giải thích các quy định của Nhà nước đối với giải phóng mặt bằng cho các hộ dân. Tuy nhiên, các hộ dân nói trên vẫn chưa đồng thuận nên chính quyền địa phương phải tiến hành cưỡng chế.

Sáng cùng ngày, sau khi công bố các quyết định của cơ quan có thẩm quyền, các lực lượng chức năng đã tiến hành tháo dỡ, cưỡng chế.

Tuyến đường chân núi vườn Quốc gia Ba Vì đi Ao Vua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc liên kết vùng; liên kết các xã trong huyện; hoàn thiện hạ tầng khung theo quy hoạch chung của huyện và thành phố Hà Nội phê duyệt. Đặc biệt, tuyến đường còn nằm trong kế hoạch phục vụ, phát huy tiềm năng, lợi thế của vườn Quốc gia Ba Vì và khu du lịch Ao Vua theo định hướng của cấp có thẩm quyền.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, huyện Ba Vì sẽ xây dựng và hoàn thiện nhiều tuyến đường trong quy hoạch nhằm kết nối với các địa phương để phát triển kinh tế - xã hội; tạo thêm các tour du lịch khép kín đến các địa danh trên địa bàn như: vườn Quốc gia Ba Vì; Ao Vua; Tản Viên, Khu du lịch sườn Tây núi Ba Vì, Khu khoáng nước nóng Thuần Mỹ…

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Hiện thực hóa ước mơ kết nối các tuyến đường sắt trên cao
Hiện thực hóa ước mơ kết nối các tuyến đường sắt trên cao

Sau một thời gian đi vào hoạt động, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã thể hiện một hình ảnh mới khác biệt của dịch vụ vận tải hành khách công cộng ở Thủ đô, hiện đại và văn minh, được nhiều người dân lựa chọn làm phương tiện đi lại hàng ngày. Tuy nhiên, để tuyến đường sắt này phát huy tối đa hiệu quả cần nhiều giải pháp khắc phục tồn tại, thu hút thêm nhiều người dân đi tàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN