Phòng tránh rủi ro và giải quyết tranh chấp trong mua bán quốc tế

Nhìn lại những vụ việc xảy ra trong mua bán quốc tế, có thể thấy nhiều doanh nghiệp không có khả năng hoặc kinh nghiệm xem xét kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng xuất - nhập khẩu và lúng túng trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Nhằm giúp các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu nắm rõ hơn những rủi ro có thể xảy ra, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) đã phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo - Tư vấn "Phòng tránh rủi ro và giải quyết tranh chấp trong mua bán quốc tế" tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 6/10/2016.

Cũng thông qua Hội thảo – Tư vấn này, ITPC và VIAC cũng mong muốn những doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu (XNK) cần lưu ý khi ký và thực hiện các hợp đồng XNK, cũng như chọn giải pháp giải quyết các tranh chấp thương mại như thế nào để tránh hoặc giảm thiệt hại.

Theo VIAC, trong hoạt động XNK gần đây, không ít DN Việt Nam gặp rủi ro khi bán hàng hoặc mua hàng của đối tác nước ngoài. Theo phản ánh từ các DN hội viên Hiệp hội Điều Việt Nam, kể từ đầu năm đến nay, một số nhà cung cấp điều ở châu Phi sau khi ký hợp đồng với các DN Việt Nam đã không thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng đã ký, chậm giao hàng, giao hàng kém chất lượng, hủy ngang (một số trường hợp hủy hợp đồng còn giữ tiền đặt cọc của người mua không trả), bị mất hàng trong container (khi về Việt Nam, doanh nghiệp mới phát hiện ra).

DN XNK cần lưu ý khi ký hợp đồng để phòng tránh rủi ro và giải quyết tranh chấp trong mua bán quốc tế. Ảnh: Hải Yên

Trước đây, các DN xuất khẩu gạo, tiêu cũng đã phản ảnh với các tham tán thương mại về tình trạng đối tác mua hàng không thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng đã ký. Mới đây nhất, với mong muốn có đơn hàng, nhiều DN trong ngành chế biến gỗ đã vội vã trong việc xúc tiến làm ăn với các đối tác nước ngoài, dẫn đến nhiều sơ hở trong các điều khoản hợp đồng và chịu thiệt thòi khá lớn. Điển hình là Công ty Gia Hân và Công ty Cửu Long ký hợp đồng sản xuất, cung cấp cho Công ty Globle Home.


Nhìn lại những vụ việc xảy ra trong mua bán quốc tế (xuất nhập khẩu) như nêu trên và tiếp xúc với doanh nghiệp, có thể thấy nhiều doanh nghiệp không có khả năng hoặc kinh nghiệm xem xét kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng xuất - nhập khẩu và lúng túng trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu.


Trước tình hình trên, Hội thảo – Tư vấn mong muốn giúp DN cập nhật, hệ thống các kiến thức và các bước thực hiện ký kết hợp đồng quốc tế; nắm được các giải pháp xử lý khi xảy ra tranh chấp trong mua bán quốc tế; hiểu cách sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng tránh rủi ro trong ký kế hợp đồng quốc tế; lắng nghe chia sẻ những trải nghiệm thực tế của các doanh nghiệp trong quá trình ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu.


TS Nguyễn Minh Hằng, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trưởng Khoa Luật Đại học Ngoại thương đã chia sẻ với doanh nghiệp những điều cần chú ý khi ký, thực hiện các hợp đồng xuất - nhập khẩu có thể dẫn đến rủi ro, tranh chấp. Bà Minh Hằng phân tích kỹ với doanh nghiệp về điều khoản giao hàng, tìm hiểu và thỏa thuận về giá, chất lượng hàng hóa, làm gì khi nhận hàng không đúng số lượng hay chất lượng, đặt yêu cầu bồi thường thiệt hại như thế nào trong hợp đồng…


Luật sư Châu Việt Bắc, Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng đã trao đổi với DN các phương pháp kiểm tra thông tin, đánh giá năng lực về đối tác mua bán quốc tế để phòng tránh rủi ro; xác định hợp đồng mua bán quốc tế đủ giá trị pháp luật để có thể giải quyết khi xảy ra tranh chấp. Ông Châu Việt Bắc cũng giải thích cho doanh nghiệp về sự khác nhau giữa chọn cơ chế trọng tài và chọn tòa án trong giải quyết tranh chấp; phân tích những điểm lợi và bất lợi khi chọn Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam hay Trung tâm Trọng tài Quốc tế của nước ngoài, những điểm lợi và bất lợi khi chọn luật Việt Nam hay luật nước ngoài.


Đặc biệt, để hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp, Ban tổ chức hội thảo đưa hình thức tư vấn trực tiếp từng trường hợp vướng mắc hợp đồng, tranh chấp mua bán quốc tế cụ thể cho doanh nghiệp với mong muốn doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể phần nào giải quyết được vướng mắc qua sự tư vấn của các luật sư, trọng tài viên giàu kinh nghiệm về lĩnh vực giải quyết tranh chấp trong thương mại đến từ Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.


Hải Yên
Doanh nghiệp Mỹ kiện thép nguội từ Việt Nam
Doanh nghiệp Mỹ kiện thép nguội từ Việt Nam

Bộ Công Thương cho biết, mới đây một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Hoa Kỳ đã chính thức nộp đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đối với sản phẩm thép cán nguội (cold rolled steel - CRS) nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN