Đây là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án của UNDP về “Cải thiện môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN” do Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh tài trợ.
Sự kiện được tổ chức nhằm khái quát tình hình tham nhũng và quy định về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ; đồng thời, lấy ý kiến đóng góp về tính cấp thiết của dự thảo đề cương nghiên cứu khảo sát về tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ.
Khai mạc sự kiện, TS. Trần Văn Trường, Phó Chánh Thanh tra, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ vướng mắc nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung và đầu tư kinh doanh vận tải đường bộ nói riêng. Các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai kế hoạch đầu tư, xây dựng, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động đầu tư, xây dựng.
Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều vướng mắc, việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực vận tải đường bộ đạt thấp. Điều này có một phần nguyên nhân là do tham nhũng, bởi nó làm tăng chi phí kinh doanh, hạn chế cơ hội đầu tư và mở rộng sự bất bình đẳng trong xã hội.
Giao thông vận tải là lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao., ông Trường nhấn mạnh.
Đại diện UNDP, bà Diana Torres, Trợ lý Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định: "Sau khi Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNDP, chúng tôi đã tiếp tục phối hợp với Thanh tra Chính phủ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất vui được phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy Sáng kiến liêm chính giữa doanh nghiệp và Chính phủ tại Việt Nam.
Theo đó, rất nhiều hội thảo, diễn đàn đã được tổ chức thành công, là cầu nối để doanh nghiệp đối thoại và đề xuất kiến nghị sửa đổi pháp luật nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Tọa đàm khoa học ngày hôm nay là sự tiếp nối mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong những năm qua; đồng thời, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi được tổ chức đúng vào Ngày quốc tế phòng chống tham nhũng 9/12.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong những năm gần đây, cho thấy, hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát đều thông tin lại rằng, đã phải trả "chi phí không chính thức".
Việt Nam đang gia tăng áp lực thực hiện các biện pháp để giải quyết tình trạng này trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang tăng cường thực thi luật phòng, chống hối lộ. Kết quả là yêu cầu thực hiện nghiêm các chương trình kiểm soát tuân thủ phòng, chống hối lộ của doanh nghiệp tại các thị trường mới nổi ngày càng phải chặt chẽ và minh bạch hơn; trong số đó có Việt Nam.
Giới thiệu về nghiên cứu khảo sát đánh giá nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ ở Việt Nam, Chuyên gia của UNDP ông Nguyễn Việt Hoàng cho biết, qua nghiên cứu đánh giá cho thấy, lĩnh vực vận tải đường bộ có nguy cơ tham nhũng và nguyên nhân từ đặc thù ngành nghề, phức tạp, không thống nhất, chồng chéo trong các quy định của pháp luật hiện hành.... Nguy cơ tham nhũng còn đến từ sự thiếu công khai, minh bạch thủ tục hành chính trong quản lý lĩnh vực vận tải đường bộ và từ sự nhận thức, thái độ ứng xử của doanh nghiệp vận tải trong quan hệ với cơ quan công quyền.
Trước thực trạng đưa ra và để ngăn chặn các nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ ở Việt Nam, theo đại diện UNDP, Chính phủ Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về vận tải đường bộ. Song song đó, cần nâng cao chất lượng của việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này; đổi mới trình tự, thủ tục cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực vận tải đường bộ; đồng thời tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan có liên quan.
Ông Việt Hoàng cũng khuyến nghị, cần tiếp tục nâng cao năng lực và phẩm chất cán bộ, công chức trong lĩnh vực quản lý vận tải đường bộ và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật về vận tải đường bộ...