Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự án cải tạo, nâng cấp Thư viện Quốc gia Việt Nam (giai đoạn 1) đã được phê duyệt năm 2018, khởi công năm 2019 với tổng mức đầu tư là 92 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã thực hiện hơn 90% khối lượng được phê duyệt; giải ngân được khoảng 70% trong tổng giá trị dự toán của 6 gói thầu. Hầu hết các gói thầu đến nay đều đã thực hiện đúng tiến độ, dự kiến hết năm 2022 thì sẽ hoàn thành toàn bộ dự án giai đoạn 1. Việc giải ngân chậm là do ảnh hưởng dịch COVID-19, các năm 2020-2021 các dự án phải dừng tiến độ một phần do nhập khẩu các thiết bị có khó khăn. Đến thời điểm cuối tháng 10/2022 cũng không còn gặp khó khăn, vướng mắc gì lớn. Giai đoạn 2 của dự án sẽ được khởi công trong trung hạn 2026 - 2030. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ cho đầu tư toàn bộ các hạng mục đã thiết kế tổng thể với tổng mức đầu tư dự kiến ở năm 2020 là khoảng 670 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo số 4137/BVHTTDL-KHTC, tính đến hết ngày 24/10/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giải ngân hơn 209 tỷ đồng trên tổng số hơn 1.184 tỷ đồng (kế hoạch năm 2022 là 110 tỷ đồng; kế hoạch năm 2021 kéo dài sang năm 2022 là 99 tỷ đồng) đạt 17,71 % kế hoạch. Dự kiến đến hết ngày 31/1/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ giải ngân trên 660 tỷ đồng, đạt 55,77% kế hoạch. Trước tình hình giải ngân không đạt tiến độ đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thực hiện quy trình đề xuất, xin phép điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 để điều chuyển cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác số tiền trên 496 tỷ đồng…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chậm thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022. Đó là vướng mắc về giải phóng mặt bằng; chậm trễ do thủ tục đầu tư; vướng mắc trong công tác điều chỉnh dự án, ảnh hưởng do biến động giá cả...; đồng thời nêu lên các kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Sau khi nghe ý kiến đánh giá, đóng góp giải pháp của các bộ, ngành đối với hoạt động giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Đầu tư công nói chung vẫn có những công trình rất thiếu vốn, nhiều công trình làm xong vẫn nợ tiền nhà thầu nhưng ngược lại cũng có công trình được ưu tiên kinh phí nhưng lại không giải ngân được. Nguyên nhân một phần là do cơ chế chung của cả nước, như giải phóng mặt bằng, thủ tục, giá vật liệu… nhưng cũng có những cái khó riêng của từng ngành.
Với các công trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bớt vướng rất nhiều so với các bộ, ngành khác về khâu giải phóng mặt bằng nhưng lại có những cái khó đặc thù riêng. Nguyên nhân là do Bộ quản lý các lĩnh vực khác nhau, mỗi khối lại có những đặc thù khác nhau. Cụ thể như với Thư viện Quốc gia Việt Nam, ngoài các chức năng như một công trình thư viện bình thường, thì đây còn được coi là một di sản văn hóa, công trình kiến trúc có giá trị. Do đó, chúng ta cần ứng xử với công trình văn hóa, di sản kiến trúc này khác với những công trình xây dựng cơ bản bình thường. Khối các công trình thể thao như Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia cũng đòi hỏi những yêu cầu riêng biệt…nên việc đầu tư cũng phải được tìm hiểu kĩ lưỡng hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ dự kiến đầu tư cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch kinh phí lên đến 7.200 tỷ đồng; gấp gần 3 lần so với nhiệm kỳ trước nên rất cần sự sẵn sàng đầu tư đúng trọng tâm trọng điểm, làm cái nào chắc cái đó. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải làm việc, bàn bạc cụ thể với lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng để làm rõ những đặc thù của ngành văn hóa, tiến tới làm công trình nào phải thật tốt công trình đó. Ví dụ, Thư viện Quốc gia Việt Nam đang chuẩn bị tiến hành giai đoạn 2 dự án cải tạo tổng thể toàn khu này như một di sản, công trình kiến trúc văn hóa đúng nghĩa. Đây là công trình đặc thù riêng nên không thể áp định mức, chuẩn mực như những công trình dân dụng bình thường dẫn tới việc một thời gian ngắn sau lại phải sửa chữa, khiến các di sản bị hư hại...
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị các đơn vị liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần nghiêm túc triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xem xét, đánh giá lại toàn bộ các đơn vị sự nghiệp quản lý các công trình lớn như Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam… để từ đó có chương trình quản lý, mô hình, sắp xếp, đầu tư trên tinh thần cái gì đã giữ được thì phải làm thật tốt, thật hiệu quả, không “ôm” những thứ không đủ nguồn lực thực hiện...