Đến nay, sau 5 năm gắn bó với cây trồng này, cây bưởi đã cho thu hoạch và chất lượng đang được khẳng định và được lựa chọn tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Chia sẻ về quá trình đưa bưởi da xanh Bến Tre về với vùng đất Gia Bình, Bắc Ninh, anh Nguyễn Đình Triệu cho biết năm 2016, anh đã tìm hiểu về giống bưởi da xanh và quyết định vào tỉnh Bến Tre để trực tiếp mang giống bưởi này và đưa về Bắc Ninh thuần hóa. Đặc biệt, với hương vị đặc trưng, khác với các giống bưởi khác ở địa phương nên giống bưởi này kỳ vọng có đầu ra thuận lợi.
Ban đầu với 5 ha ruộng đất từ gia đình, họ hàng và gom thêm đất của một số hộ dân trong thôn, anh Triệu đưa bưởi vào trồng thử nghiệm. Theo anh Triệu, bưởi da xanh Bến Tre là cây trồng khó tính, thích hợp với chất đất tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt. Trong khi vùng đất của gia đình là vùng đất xấu, khó canh tác, vì vậy, anh quyết tâm cải tạo đất. Do thời gian đầu chưa hiểu đặc tính của cây nên cây bị chết rất nhiều. Quyết không chịu lùi bước, anh Triệu đã tìm đến kỹ sư nông nghiệp chuyên chăm sóc bưởi da xanh.
Anh Triệu tâm sự, khác với các loại bưởi khác, bưởi da xanh là giống cây cần nhiều nước, nhất là thời kỳ ra hoa, kết trái nhưng cũng không chịu được ngập úng nên anh đã xây dựng hệ thống tưới ngầm cho cây chạy dưới lòng đất và đào rãnh để thoát nước.
Đặc biệt, cây trồng này rất dễ mắc bệnh sâu tim, sâu đục thân dẫn đến chảy mủ rồi chết. Để vườn bưởi sinh trưởng và phát triển tốt, người chăm sóc hằng ngày phải chú ý từng đặc điểm, sự thay đổi của cây để có cách thức chăm sóc phù hợp.
Cùng đó, mới mục tiêu đảm bảo chất lượng cho quả, khi chăm bưởi da xanh, người trồng chú ý đến từng thời kỳ sinh trưởng của cây, đặc biệt là khi cây bắt đầu ra lộc, lá chuyển sang bánh tẻ thì cần bón phân để thúc đẩy cho cây phát triển tốt. Sau khi ra hoa 1 tháng, anh chọn và tỉa quả xấu, dày và để mỗi cây từ 10-20 quả. Khi bưởi to bằng bát con, anh phải bọc từng quả một nhằm tránh bị rám và côn trùng trích, bảo đảm bưởi được xanh, đều màu. Bưởi da xanh thường cho thu hoạch 2 vụ/năm từ tháng 5-6 và từ tháng 9-10 hàng năm.
Sau khi tích lũy kinh nghiệm trồng cây, anh Triệu tiếp tục thuê thêm đất của nông dân trong vùng và mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh lên hơn 50 ha. Sau hơn 4 năm trồng cây, năm 2020, bưởi cho ra quả. Sản xuất sạch, an toàn là nền tảng đầu tiên để phát triển nghề trồng bưởi bền vững, do vậy, anh Triệu đặt ra tiêu chuẩn chăm sóc nghiêm ngặt cho cây như sử dụng nguyên liệu sạch, phân vi sinh để bón cây và các loại thuốc bảo vệ thực vật đều được lấy từ thiên nhiên như bào chế thuốc trừ sâu từ gừng, ớt, thuốc lào...
Chia sẻ về chất lượng quả bưởi, ông Nguyễn Đình Cương, sinh năm 1961, quản lý vườn bưởi cho biết, khi bưởi đến thời kỳ thu hoạch, bưởi có da màu xanh, căng bóng, đạt trọng lượng từ 1,2-2,5kg, có vị đậm đà, vị ngọt, không chua, mùi thơm, cùi bưởi có màu hồng, tép căng, mọng. Đặc biệt, đầu năm 2021, bưởi da xanh Xuân Lai đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Hiện doanh nghiệp đang tích cực xây dựng thương hiệu cho giống bưởi quý này. Sau khi có thương hiệu sẽ là cơ hội lớn để bưởi da xanh Xuân Lai mở rộng thị trường và được nhiều người biết đến, từ đó là tiền đề để xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, với tổng diện tích trồng bưởi trên 50 ha với gần 15.000 gốc bưởi, mỗi năm doanh nghiệp đưa ra thị trường khoảng 80 tấn bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP, doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Không chỉ phát triển kinh tế của bản thân, mô hình trồng bưởi da xanh của anh Nguyễn Đình Triệu đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Lê Thị Nội, thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình chia sẻ, trước đây, gia đình chị chỉ trồng lúa, thu nhập bấp bênh, chỉ đủ trang trải nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của gia đình. Khoảng hơn 2 năm trở lại đây chị chăm sóc bưởi cho doanh nghiệp tư nhân Trịnh Chung, mỗi tháng chị nhận được 6 triệu đồng tiền công, ngoài chi phí trong gia đình, chị có thêm tiền tích lũy.
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, anh Nguyễn Đình Triệu cho biết, anh sẽ đầu tư, mở rộng diện tích trồng lên 300 ha trồng bưởi, tiến tới mô hình du lịch sinh thái. Qua đó, xây dựng mô hình sản xuất chuyên canh quy mô lớn để xuất khẩu, tìm đầu ra ổn định cho thị trường.
Đây không chỉ là cơ hội cũng là thách thức lớn, tạo động lực cho gia đình giữ gìn thương hiệu, áp dụng đúng quy trình VietGAP để đưa ra sản phẩm bưởi ngon, an toàn, chất lượng. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, anh cũng mong sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong tạo điều kiện để doanh nghiệp thuê đất số lượng lớn, thời gian dài.
Đánh giá về mô hình trồng bưởi da xanh của Doanh nghiệp tư nhân Trịnh Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Bình Nguyễn Khắc Đạm khẳng định, mô hình đã mở ra hướng đi mới cho nông dân phát triển kinh tế ở địa phương. Năm 2021, bưởi da xanh Xuân Lai đã được tỉnh Bắc Ninh lựa chọn tham gia chương trình mỗi xã, phường thị trấn một sản phẩm.
Đây là cơ hội để bưởi da xanh có chỗ đứng trên thị trường và cũng đặt ra yêu cầu để doanh nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Tỉnh cũng đã xây dựng quy chế hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia vào chương trình OCOP.
Năm 2021, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt danh mục sản phẩm tham gia OCOP với 81 sản phẩm, thuộc các lĩnh vực: nông sản, thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí… Qua đó, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.