Từ đó, góp phần đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo, giúp nhiều hộ dân làm giàu, đồng thời giúp các địa phương trong tỉnh hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Sau ba năm triển khai đề án chương trình OCOP, tỉnh Yên Bái đã đạt được kết quả bước đầu rất tích cực.
Từ khi vùng bưởi Đại Minh được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Hộ gia đình ông Nguyễn Kim Giao ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã mạnh dạn trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP cùng 159 hộ dân trong hợp tác xã.
Trước đây, gia đình ông chỉ trồng bưởi đơn thuần, sau khi tham gia chuỗi sản xuất sạch hữu cơ, giá trị từ cây bưởi được nâng cao, rễ cây khỏe, mẫu mã quả bưởi tốt, để được lâu hơn, sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu phân phối tại các siêu thị trong nước. Với 250 cây bưởi mỗi năm, gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng, cuộc sống gia đình ông trở lên khấm khá hơn.
Ông Nguyễn Kim Giao cho biết, khi mới tham gia chương trình OCOP cũng chưa được tự tin vì không rõ có hiệu quả hay không. Chỉ đến khi được tập huấn các cách làm khoa học và bài bản của chương trình mới thực sự mạnh dạn tham gia cách trồng bưởi mới. Sau năm thứ nhất thu hoạch quả, thấy chương trình này khá hiệu quả. Bưởi khi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho quả sáng đẹp, chất lượng và mẫu mã tăng lên.
Hiện tại, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã xây dựng được 5 chuỗi giá trị, 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tập trung vào các sản phẩm đặc sản chủ lực như cá hồ Thác Bà, bưởi Đại Minh, gạo Bạch Hà…. Từ các sản phẩm này, người dân của huyện có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa vùng miền. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện hằng năm bình quân giảm 4%, mỗi năm giải quyết được hơn 2.000 việc làm mới, 10/22 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, sản phẩm quế điếu đạt sản phẩm OCOP hạng bốn sao, được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Nhật Bản, Ấn Độ. Hợp tác xã quế hồi Đào Thịnh sau hơn hai năm thực hiện liên kết với nông dân, diện tích quế hữu cơ ban đầu mới chỉ có 1,5 ha, nay vùng nguyên liệu đã có hơn 500 ha.
Sản phẩm của người dân được hợp tác xã bao tiêu toàn bộ sản phẩm và tăng 20% so giá thị trường. Các kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập bình quân của 150 lao động đang làm việc tại hợp tác xã đạt 6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Dinh, thành viên Hợp tác xã quế hồi Đào Thịnh cho biết, từ khi có nhà máy của hợp tác xã quế hồi Đào Thịnh thì việc sản xuất quế hữu cơ không sử dụng phân và thuốc trừ sâu mà chủ yếu chăm bón nên cây quế tốt hơn, giá trị kinh tế từ cây quế cũng tăng lên và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Chính vì vậy, công nhân làm việc trong hợp tác xã có công việc ổn định, thu nhập cũng khá hơn rất nhiều so với trước đây.
Sau hơn 1 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay tỉnh Yên Bái đã phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030”.
Tính đến hết tháng 10/2020, toàn tỉnh Yên Bái có 30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Một số sản phẩm đặc sản mang tính bản địa cao có thể kể đến như Tuyết Sơn Trà, trà táo mèo Shan Thịnh (huyện Văn Chấn); bưởi Đại Minh (Yên Bình); miến đao Giới Phiên (thành phố Yên Bái); mật ong tự nhiên Mù Cang Chải…
Ông Nhâm Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, nhờ đồng bộ triển khai chương trình OCOP và các dự án, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp mà bộ mặt nông thôn của tỉnh Yên Bái ngày càng khởi sắc, thậm chí là “thay da đổi thịt” hoàn toàn.
Đến nay, tỉnh Yên Bái đã có 67 xã đạt chuẩn nông thôn mới và mức thu nhập bình quân của người dân đạt trên 38 triệu đồng/người/năm. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2019 giảm 6,12%, còn 11,56%, dự kiến sẽ giảm còn 7,56% vào cuối năm 2020…
Năm 2020, Yên Bái đã xác định chủ thể và tên 70 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, số sản phẩm các huyện đăng ký lên tới 87 sản phẩm. Đây là điều kiện tốt để vừa gắn tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở miền núi, vừa tạo ra các sản phẩm hữu ích, đặc trưng, có giá trị kinh tế cao, đem lại lợi ích cho người dân. Các sản phẩm OCOP của Yên Bái sẽ đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân địa phương, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở tỉnh miền núi Tây Bắc.