Canh tác lúa hữu cơ
Dù là xã vùng sâu, vùng xa, còn gặp nhiều khó khăn nhưng bù lại, Đăng Hà có lợi thế từ cánh đồng lớn khoảng 600 ha để phát triển cây lúa nước. Từ lâu, người dân chuyên canh lúa nước từ 2 - 3 vụ/năm, tùy thuộc vào vị trí nguồn nước. Nhiều năm qua, đa số lúa của người dân làm ra bị thương lái ép giá và hầu hết bán sang huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) để chế biến.
Trước tình hình đó, UBND huyện Bù Đăng đã xây dựng đề án “Mỗi năm sẽ hỗ trợ xây dựng 20 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ”. Đầu tiên, năm 2019, xã Đăng Hà được hỗ trợ thí điểm 2 mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ, với 18 hộ dân tham gia.
Gia đình ông Chu Văn Tín ở thôn 2, xã Đăng Hà là một trong những hộ đầu tiên thực hiện mô hình này. Ông Tín cho biết, việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ mang lai giá trị kinh tế cao hơn cho bà con. Thực tế, thị trường bây giờ làm theo hữu cơ dễ bán hơn, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.
Trước đó, mỗi năm, gia đình ông Tín chỉ làm được 2 vụ với năng suất chỉ gần 4 tấn/ha/vụ. Năm 2018, được trung tâm khuyến nông huyện vận động trồng giống Đài thơm 8, do giống mới nên ông chỉ trồng thử nghiệm 0,5 ha. Giống lúa này lại ít sâu bệnh, chỉ mất gần 100 ngày là cho thu hoạch, năng suất cao với sản lượng hơn 0,6 tấn/ha. Nhờ trúng mùa lúa và bán được giá cao, năm 2019, ông mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy xới, máy gặt... Chỉ với 2 ha đất trồng lúa, nhờ vào giống Đài thơm 8, mỗi năm, gia đình ông làm 3 vụ, trung bình mỗi vụ thu trên 6 tấn/ha.
“Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tức là mình dùng phân bón, không phải phân hóa học mà là phân vi sinh. Việc này đảm bảo được chất lượng hạt gạo, mà không ảnh hưởng đến đất, tạo màu mỡ cho đất sau này”, ông Tín cho biết thêm.
Mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ bước đầu mang lại “luồng gió mát” cho người dân nghèo ở tỉnh Bình Phước. Nhờ mạnh dạn trang bị máy móc hiện đại vào sản xuất, năng suất lúa trung bình tại xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng đạt 6 - 7 tấn/ha. Cùng với đó, chất lượng lúa được người mua đánh giá cao.
Sớm xây dựng thương hiệu
Hiện nhiều hộ dân nơi cánh đồng lớn ở huyện miền núi Bù Đăng vẫn đang trăn trở để sớm xây dựng thương hiệu gạo Đăng Hà.
Theo chị Nông Thị Liên ở thôn 2, xã Đăng Hà: “Tôi ở đây từ năm 1991, chỉ gắn bó với ruộng nước, làm lúa. Mong sao các cấp chính quyền phát triển thêm nhiều giống lúa mới để cho bà con đỡ vất vả, cuộc sống thoải mái hơn. Đầu ra của lúa còn thấp quá, giá lúa chênh xa quá, tiền phân cao, giá lúa thấp, bà con hơi vất vả”.
Người dân trồng lúa ở xã Đăng Hà vẫn chưa chấm dứt tình trạng bị một số tiểu thương ép giá, nhất là vào mùa mưa khi người dân không có sân phơi phải bán tươi. Để chủ động đầu ra cho sản phẩm, một số hộ đã liên kết với nhau mở cơ sở thu mua lúa với giá cao hơn thị trường khoảng 5 - 7 giá.
Những hộ này đã đầu tư hệ thống máy xay xát, máy chà để tự chế biến, cung cấp gạo sạch cho các đại lý trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do công suất hạn chế, lượng mua còn nhỏ lẻ nên không đáp ứng khối lượng lúa hàng ngàn tấn trong năm.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăng Hà Bàn Văn Lưu, năm 2019, chính quyền huyện Bù Đăng đã phối hợp với xã Đăng Hà làm điểm 2 mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ ở thôn 2 và thôn 3 với 18 hộ tham gia, trung bình mỗi hộ có từ 0,5 ha tới 1 ha lúa. Các hộ dân này được hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và giống lúa chất lượng cao như Đài thơm 8.
“Trong quá trình sản xuất, xây dựng thương hiệu “gạo Đăng Hà”, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ máy sấy để mùa mưa có thể thu mua lúa cho bà con. Qua đó cũng giúp cho bà con sấy lúa, giảm bất khó khăn cho nhà nông ở đây”, ông Bàn Văn Lưu chia sẻ.
Người dân xã Đăng Hà đang nỗ lực theo hướng sản xuất lúa gạo không chất bảo quản, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc này rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp, để làm sao xây dựng bền vững thương hiệu “gạo Đăng Hà” từ mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ.