Phát triển sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản cuối năm

Thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch thực hiện.

Chú thích ảnh
Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang (tỉnh An Giang). Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Mục tiêu của ngành là tập trung khôi phục, phát triển các hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản.

Ngành phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của ngành như: tốc độ tăng trưởng của ngành năm 2021 đạt từ 2,5-2,8%; sản lượng lúa đạt trên 43,5 triệu tấn; sản lượng thịt hơi các loại trên 6,2-6,5 triệu tấn; tổng sản lượng thủy sản trên 8,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu nông sản trên 44 tỷ USD…; đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là dịp Tết Nguyên đán năm 2022.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai, giám sát, đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP), đảm bảo tiến độ và hiệu quả, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp các đơn vị thuộc bộ và Bộ Tài chính xây dựng, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản cho nông dân để khôi phục sản xuất tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Các đơn vị chức năng sẽ hướng dẫn địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản, mùa vụ phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch bệnh COVID-19, nhằm bảo đảm vừa phòng chống dịch, thiên tai hiệu quả, vừa cung ứng đủ lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu. 

Đồng thời tiếp tục đề xuất giải pháp tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc quy định trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, như hình thức đánh giá trực tuyến thay đánh giá trực tiếp hoặc gia hạn tối đa 6 tháng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, quyết định chỉ định đã hết hạn... 

Trong lĩnh vực trồng trọt, Cục Trồng trọt sẽ địa phương triển khai sản xuất vụ Đông ở các tỉnh phía Bắc; xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 phù hợp với điều kiện thời tiết và công tác phòng dịch ở từng địa phương; đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, để đảm bảo vụ Đông, vụ Đông xuân được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.

Cục Trồng trọt tiếp tục nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng để có đề xuất chỉ đạo rải vụ các đối tượng cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có hiệu quả kinh tế cao. 

Chăn nuôi sẽ chủ động chuẩn bị tốt các phương án đẩy mạnh sản xuất, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm cung cấp đủ nguồn cung thực phẩm chăn nuôi trong các tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Phối hợp, hướng dẫn các địa phương phía Bắc đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm; cùng các địa phương phía Nam tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, tiêu thụ.

Cục Chăn nuôi phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, địa phương, doanh nghiệp triển khai các giải pháp tăng nguồn cung, ổn định giá vật tư, con giống, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân yên tâm tái đàn, phục hồi sản xuất.  

Tổng cục Thủy sản hướng dẫn địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, nhằm vừa đảm bảo về phòng chống dịch bệnh, vừa đẩy nhanh phục hồi sản xuất. Tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh ảnh hưởng của COVID-19. Hỗ trợ người nuôi phục hồi sản xuất, không để xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Với khai thác hải sản, Tổng cục Thủy sản dự báo ngư trường, tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển để kịp thời hướng dẫn, tham mưu chỉ đạo sản xuất vụ cá Bắc và hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất an toàn, hiệu quả.

Cùng với đó, Cục Thú y sẽ phải tập trung các nguồn lực và khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh trên gia súc, gia cầm, bệnh trên thủy sản, hạn chế tối đa thiệt hại, bảo đảm sản lượng thịt các loại, sản lượng thủy sản. Cục Bảo vệ thực vật bám sát đồng ruộng, đảm bảo kịp thời xử lý sinh vật gây hại phát sinh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng mã số vùng trồng, mã số đơn vị đóng gói sản phẩm trồng trọt, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm.

Để đảm bảo lưu thông thông suốt, hiệu quả an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ, 2 Tổ công tác của Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, doanh nghiệp, hiệp hội để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản tại các địa phương; kịp thời tham mưu triển khai ngay những giải pháp.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thường xuyên tổng hợp và cập nhật tình hình sản xuất, cân đối cung cầu nông sản đáp ứng nhu cầu tăng cao vào những tháng cuối năm, dịp lễ tết; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để nắm bắt thông tin thị trường, thông tin kịp thời đến địa phương, doanh nghiệp các cảnh báo, quy định mới của thị trường xuất khẩu.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cung cấp  các thông tin quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).  Đẩy mạnh hoạt động “Quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh Hiệp định EVFTA có hiệu lực”.

Bích Hồng (TTXVN)
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, gạo tăng
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, gạo tăng

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa, gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN