Phân loại hàu sau khi thu hoạch ở tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phát triển thủy sản theo hướng bền vững nhằm thực hiện đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" và đề án Tái cơ cấu ngành thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và các quy hoạch về nuôi trồng thủy sản.
Vì thế, cần đẩy mạnh nuôi trồng ngành thủy sản các tỉnh ven biển miền Trung góp phần vào mục tiêu đến năm 2020, sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước đạt 4,5 triệu tấn; trong đó, tôm khoảng 710.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4,5-5 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, ngành thủy sản phải triển khai các giải pháp phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam. Cùng đó, đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất con giống; xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp; hình thành các kênh phân phối hàng thủy sản từ người sản xuất, doanh nghiệp đến các chợ, siêu thị.
Trước mắt, ngành thủy sản cần khẩn trương nghiên cứu, ban hành các quy trình nuôi tiên tiến; tổng kết và nhân rộng các mô hình nuôi hiệu quả và bền vững môi trường như các mô hình nuôi kết hợp tôm-cá và các đối tượng khác.
Trong những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản có bước phát triển khá nhanh và ổn định, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ. Đến năm 2016, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,3 triệu ha; sản lượng đạt 3,65 triệu tấn, đóng góp lớn cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ngành nông nghiệp và có bước phát triển theo hướng ổn định, bền vững, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.
Các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có điều kiện thuận lợi nuôi tôm nước lợ, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trên vùng đất cát, nuôi nhuyễn thể, cá biển. Năm 2016, diện tích nuôi mặn, lợ trong vùng 7 tỉnh ven biển miền Trung đã đạt 15.608ha; sản lượng đạt 38.911 tấn; diện tích nuôi nước ngọt đạt 19.443ha, sản lượng đạt 32.675 tấn.
Riêng diện tích nuôi tôm của các địa phương này đạt 10.944 ha; trong đó, Thừa Thiên - Huế có diện tích nuôi tôm lớn nhất là 2.937 ha; tiếp đến là Quảng Nam 2.730 ha; Hà Tĩnh 2.200 ha. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh phát triển mạnh ở Quảng Nam, nên sản lượng cao hẳn so với các địa phương khác, đạt 12.650 tấn/32.736 tấn của toàn vùng.
Thừa Thiên - Huế với lợi thế vùng Tam Giang - Cầu Hai, đưa 2.387 ha vào nuôi tôm sú, xen ghép với các đối tượng khác như cua - cá biển, đem lại hiệu quả cho người nuôi, khá bền vững. Các tỉnh ven biển miền Trung cũng đưa 1.466 ha vào nuôi nhuyễn thể; sản lượng nuôi đạt 3.121 tấn. Tuy diện tích nuôi nhuyễn thể không phát triển so với cả nước nhưng bước đầu có sự chuyển biến trong cơ cấu ngành thủy sản.
Cả nước có khoảng 1.863 cơ sở sản xuất con giống, thì các tỉnh ven biển miền Trung chiếm tỉ lệ còn ít. Riêng sản xuất tôm giống chỉ đạt khoảng 2,98 tỷ tôm giống so với 104,4 tỷ tôm giống so với cả nước. Nguyên nhân, một phần do khí hậu khắc nghiệt; phần do suy thoái và ô nhiễm môi trường gây rủi ro lớn cho người sản xuất...