Phát triển nuôi tôm siêu thâm canh - Bài 2: Nỗ lực không để xảy ra hệ lụy

Ngành tôm Cà Mau đang phát triển năng động, dần hạn chế được những bất lợi của thời tiết để phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Để hạn chế điều này, Cà Mau đang nỗ lực không để tình trạng phát triển quá “nóng”, tràn lan dẫn đến mất kiểm soát làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành hàng chủ lực không chỉ của địa phương mà của cả quốc gia. 

Các kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm cho người dân.

“Hệ quả” từ sự thành công

Trước sự thành công của mô hình nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh, nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau hiện đang phải đối mặt với vấn đề diện tích thả nuôi trong người dân tăng nhanh, tuy nhiên, lại không đáp ứng được các điều kiện nuôi cũng như quy trình kỹ thuật… Điều này đang đe doạ đến chính môi trường nuôi tôm của nhiều hộ dân trong khu vực.

Là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh phát triển nhanh nhất của tỉnh Cà Mau, theo báo cáo, hiện huyện Đầm Dơi có khoảng 300 hộ đầu tư với 300ha diện tích nuôi tôm siêu thâm canh. Chỉ riêng trong tháng 9, huyện Đầm Dơi đã tăng 52 hộ nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh. Qua kiểm tra của cơ quan chuyên môn, hiện có 84 hộ thiếu điều kiện và cần bổ sung để hoàn thiện hình thức nuôi, 48 hộ không đủ điều kiện để thả nuôi…

Bên cạnh đó, theo báo cáo của UBND huyện Phú Tân thì hiện nay có khoảng 117 hộ đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích khoảng 200ha. Trong số này, qua kiểm tra có 64 hộ chưa đáp ứng đầy đủ kỹ thuật, quy trình nuôi chưa đảm bảo như hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã tổ chức nhiều chuyến kiểm tra thực tế. Qua đó cho thấy, phần lớn số hộ được kiểm tra vẫn chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết khi đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh như: chưa có khu xử lý nước thải, lén lút xả thải trực tiếp ra môi trường, nguy cơ gây ô nhiễm.

Bên cạnh đó, có đầu tư khu xử lý nước thải, nhưng chưa đạt yêu cầu; hệ thống điện phục vụ nuôi tôm chưa đảm bảo an toàn; thậm chí, có ao nuôi không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật; có trường hợp hộ dân đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh, nhưng chưa nắm vững về quy trình kỹ thuật, những khuyến cáo, quy định về xử lý môi trường trong quá trình nuôi.

“Nghiêm cấm các hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường. Đây là một trong những vấn đề tiên quyết và quan trọng, vừa bảo vệ lợi ích người nuôi, vừa cho người xung quanh. Chính quyền địa phương cần thắt chặt hơn nữa trong quản lý đăng ký đối với các hộ nuôi tôm theo mô hình này, kiên quyết không cấp phép cho nuôi đối với các hộ không đủ điều kiện”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh khi kiểm tra.

Trước đó, tại phiên họp đánh giá tình hình kinh tế xã hội 9 tháng tỉnh Cà Mau, đầu tháng 10, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, Nguyễn Chí Thuần cho biết, đối với những hộ không đủ điều kiện nhưng vẫn lén lút tiếp tục thả nuôi, địa phương đang tính đến phương án cắt điện đối với các hộ này.

Quyết giữ vững vùng nuôi

Nhằm tăng cường hơn nữa trong chỉ đạo, đồng thời chấn chỉnh việc nuôi tôm siêu thâm canh có thể gây ô nhiễm, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai nhanh nhiều giải pháp đồng bộ.

Mô hình nuôi khép kín, tuần hoàn nước được đánh giá an toàn cho môi trường của Công ty Việt Mỹ.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương… tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về điều kiện, quy trình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp hợp đồng cung ứng giống, thức ăn, vật tư đầu vào (Công ty CP, Việt - Úc, Việt Mỹ, Trúc Anh…) cho hộ nuôi tôm cam kết hướng dẫn cho nhân dân thực hiện đúng quy trình xây dựng ao đầm theo mô hình của đơn vị đã đăng ký, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp nhận nhằm bảo đảm xử lý nước thải, chất thải khi nuôi tôm, bảo đảm không ô nhiễm môi trường và an toàn về điện.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Công ty Điện lực Cà Mau phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh rà soát các quy định, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm về môi trường, về an toàn sử dụng điện trong hoạt động nuôi tôm để hướng dẫn, tuyên truyền cho hộ dân thực hiện một cách nghiêm túc, kiên quyết xử lý hành vi sai phạm.

Ngoài ra, giao Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực sản xuất của các huyện, thành phố Cà Mau khẩn trương thành lập các tổ công tác kiểm tra tình hình chỉ đạo sản xuất của chính quyền cấp xã, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các biện pháp chỉ đạo sản xuất UBND tỉnh đã đề ra. Trong đó chú ý kiểm tra, khắc phục những hộ đang nuôi tôm nhưng chưa đủ điều kiện, có xả thải ra bên ngoài

Cùng với đó, tuyên truyền cho nhân dân biết, thực hiện quy định phải đăng ký với chính quyền địa phương khi có kế hoạch đầu tư nuôi thâm canh, siêu thâm canh, khảo sát, hướng dẫn các hộ đăng ký nuôi xây dựng ao đầm đúng quy định; kiểm tra, chỉ đạo khắc phục việc sử dụng điện không đảm bảo an toàn; rà soát thiết bị thi công xây dựng ao nuôi tôm trên địa bàn để có kế hoạch đáp ứng nhu cầu sắp tới…

Kiểm điểm trách nhiệm các cán bộ có liên quan, người đứng đầu địa phương những nơi không thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, để tồn tại, phát sinh tình trạng nuôi nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh xả thải gây ô nhiễm môi trường, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/10/2017.

Huỳnh Anh (TTXVN)
Trà Vinh trúng mùa vụ nuôi tôm
Trà Vinh trúng mùa vụ nuôi tôm

Vụ tôm năm nay, tỉnh Trà Vinh thả nuôi hơn 1,71 tỷ con tôm sú; gần 3,4 tỷ con tôm thẻ chân trắng, cao hơn cùng kỳ gần 740 triệu con trên tổng diện tích 24.000 ha.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN