Phát triển ngành thủy sản sau dịch COVID-19 - Bài 1: Đối mặt với khó khăn

Do ảnh hưởng hạn hán và đặc biệt là từ đại dịch COVID-19 đã khiến cho ngành thuỷ sản -nền kinh tế mũi nhọn này của Cà Mau bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cà Mau từ lâu đã được xem là vựa tôm của cả nước khi chiếm khoảng 40% diện tích nuôi, đồng thời, có khoảng 70% dân số sống bằng nghề nuôi và khai thác thuỷ sản. Thế nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến cho giá tôm liên tục giảm mạnh, kéo dài đã khiến cho nền kinh tế mũi nhọn của địa phương đối mặt với nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
  Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: Thế Anh/TTXVN

Khó khăn chưa có tiền lệ

Dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế tại nhiều quốc gia vốn là thị trường truyền thống của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao đao, hàng trăm ngàn hộ nông dân nuôi tôm rơi vào hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020 của địa phương…

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 29 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, với 39 nhà máy, tổng công suất 185.000 tấn/năm. Trong quý I/2020, sản lượng tôm chế biến đạt hơn 26.400 tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ, nhưng sản lượng xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 15.590 tấn, giảm 12%; kim ngạch xuất khẩu giảm gần 18%. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu của tỉnh giảm; trong đó, lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm hơn 66%, Trung Quốc giảm 58%, Nga giảm 37%...

Điều đó đã khiến lượng hàng tồn kho và lưu kho của các doanh nghiệp chế biến khoảng 17.000 tấn. Theo đó, lưu kho khoảng 6.000 tấn, chiếm tỷ trọng khoảng 70 - 75% sức chứa của các kho trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất để tiêu thụ nguồn nguyên liệu cho nông dân và giải quyết việc làm cho công nhân. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn về thị trường xuất khẩu, kho lưu trữ hàng hóa, nguồn vốn và lao động...

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thuỷ sản Năm Căn Ngô Minh Hiển thông tin: "So với cùng kỳ năm 2019, liên tục trong những tháng đầu năm nay mức xuất khẩu của công ty đã giảm hơn 20%, bên cạnh đó, các đơn hàng cũng đã giảm hơn 50%”.

Tại cuộc họp bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản vừa được UBND tỉnh Cà Mau tổ chức, đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn trên địa bàn đã trình bày nhiều khó khăn vướng mắc mà các đơn vị gặp phải từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19 đến nay. Thực tế số đơn hàng đã giảm trên 50% và lượng hàng tồn kho chiếm rất lớn. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại, nếu tình trạng này cứ kéo dài thì việc duy trì sản xuất là hết sức khó khăn.

Khó lại chồng khó khi so với cùng kỳ năm trước, giá tôm năm nay giảm sâu và kéo dài chưa từng có tiền lệ. Mặc dù hiện tại giá có nhích lên nhẹ nhưng vẫn còn khá thấp. Giá tôm bình quân chung của tỉnh, tôm sú loại 20 con/kg hiện có giá bình quân khoảng 170.000 đồng/kg; loại 30 con/kg có giá bình quân khoảng 140.000 đồng/kg. Tôm thẻ giá dao động từ 79.000 – 90.000 đồng/kg, tùy loại hình nuôi.

Ông Huỳnh Chí Linh, nông dân tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau chia sẻ, giá tôm hiện nay đã nhích lên nhưng vẫn ở mức thấp so với những năm trước. Giá tôm tụt giảm mạnh và kéo dài đã khiến cho người nuôi tôm gặp khó khăn để tái đầu tư. Bên cạnh đó, khó khăn khác nữa của nông dân chính là tình trạng nắng nóng kéo dài có thể sẽ kéo theo tình trạng dịch bệnh trên tôm.

Nhiều nút thắt

Ông Ngô Minh Hiển, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn thông tin thêm: “Trước khó khăn chung, mặc dù Hiệp hội Thủy sản tỉnh Cà Mau, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau cũng đã có động thái nhưng chưa giải quyết được những vấn đề mà doanh nghiệp đặt ra. Theo đó phải kể đến như việc các ngân hàng thương mại chỉ giảm lãi suất huy động chứ không giảm lãi suất cho vay; hạn mức cho vay mới chưa ban hành; dẫn đến hoạt động của công ty hiện nay chủ yếu là cầm chừng. So với cùng kỳ, mức xuất khẩu giảm hơn 20%, các đơn hàng giảm hơn 50%.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại địa phương cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/3/2020 về khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi… là giải pháp đúng nhưng chưa thật sự trúng trọng tâm để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Bởi, điều các doanh nghiệp cần hiện nay chính là đồng vốn mới để khôi phục sản xuất, thu mua hàng thuỷ sản. Với tình hình dịch COVID-19, nếu không có vốn thu mua, dân sẽ treo đầm, khi hết dịch sẽ không có hàng để cung ứng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Cà Mau chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương triển khai thực hiện việc hỗ trợ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thông tư số 0l/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Cà Mau Trần Quốc Khởi cho biết: “Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ từ nguồn của Chính phủ. Do vậy, chỉ có thể áp dụng một số biện pháp như: giảm lãi suất, kéo giãn nợ… Khó khăn là phải đợi các ngân hàng ban hành quy chế nội bộ. Chúng tôi chấp nhận chủ trương nhưng phải chờ đợi triển khai các bước tiếp theo để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như tạo điều kiện cho doanh đứng vững trong điều kiện dịch bệnh”.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chia sẻ, chủ trương đã có nhưng việc cụ thể hoá chính sách còn chậm. Các hội sở ngân hàng cần có yêu cầu khẩn trương ban hành quy chế nội bộ từng hệ thống ngân hàng, chỉ đạo các chi nhánh sát cánh với doanh nghiệp để giải quyết đúng vướng mắc của các doanh nghiệp.

“Để duy trì sản xuất một cách ổn định, hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin thu mua để nông dân nắm bắt, tránh tình trạng thương lái thu mua ép giá, gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của người nông dân. Bởi hơn ai hết, các doanh nghiệp cần thấy rõ vai trò của người nông dân, một khi nông dân đã không có điều kiện để đầu tư vào việc tái sản xuất thì người gặp khó đầu tiên là các doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ thông tin, năng lực chế biến đối với ngân hàng để tạo đủ niềm tin cùng nhau gỡ khó trong điều kiện dịch bệnh này”, ông Lê Văn Sử, phân tích.

Trước thực tế trên, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo Sở Công Thương; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh về việc cho vay vốn để thu mua nguyên liệu tạm trữ của doanh nghiệp. Đồng thời, yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Cà Mau khẩn trương rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương về tín dụng, đặc biệt là cho vay mới hoặc tăng hạn mức cho vay đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhằm khôi phục, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Qua đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện việc cho vay đối với các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung ưu tiên cho các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu thủy sản tạm trữ, nhằm tiêu thụ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, đánh bắt của người dân và giải quyết công ăn việc làm cho công nhân, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài cuối: Tạo chuyển biến mạnh thu hút đầu tư

Huỳnh Anh (TTXVN)
Dịch COVID-19: Ngành thủy sản 'cầm cự' chờ thị trường khôi phục
Dịch COVID-19: Ngành thủy sản 'cầm cự' chờ thị trường khôi phục

Sau nhiều ngành hàng như dệt may, da giày thì xuất khẩu thủy sản cũng ghi nhận sự sụt giảm đám kể trong quý I/2020 do tác động từ dịch COVID-19. Với tình hình dịch bệnh lan rộng trên quy mô toàn cầu và chưa được khống chế, các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời để "cầm cự" chờ thị trường khôi phục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN