Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình Tây Nguyên 3) đã đạt nhiều kết quả khả quan, áp dụng vào thực tiễn đời sống sản xuất của vùng. Chương trình khai thác tối đa lợi thế tiềm năng, đưa khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên; đồng thời mở rộng hợp tác, liên doanh, kiên kết khoa học và công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào phát triển nông nghiệp Tây Nguyên.
Thu hút nhiều nhà khoa học tham gia
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Chương trình Tây Nguyên 3 đã thu hút trên 600 nhà khoa học làm chủ nhiệm đề tài, chủ trì đề tài nhánh và tập hợp được trên 2.000 cán bộ khoa học bám sát mục tiêu, bám sát thực tiễn để nâng cao tính tổng hợp liên ngành đối với mỗi đề tài nhiệm vụ. Trong tổng số 62 đề tài khoa học trên có 13 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên nghiên cứu, đánh giá tổng hợp các vấn đề về tài nguyên thiên nhiên, môi trường và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, xây dựng tiêu chí phát triển bền vững, xây dựng mô hình kinh tế - sinh thái bền vững Tây Nguyên. Các đề tài như tài nguyên đất, bộ cơ sở dữ liệu về đất, tài nguyên nước và bộ cơ sở dữ liệu về nước, tài nguyên rừng và cơ sở dữ liệu về rừng…, các nhà khoa học đã nêu lên tổng quan hiện trạng các tài nguyên đất, nước, rừng của vùng Tây Nguyên và đưa ra các giải pháp, chiến lược cụ thể để phát triển bền vững các nhóm tài nguyên này.
Cấy mẫu cây vào bình dinh dưỡng. Ảnh: Anh Dũng |
Về đề tài lĩnh vực khoa học xã hội, Chương trình Tây Nguyên 3 đã tuyển chọn được 21 đề tài, chủ yếu nghiên cứu, đánh giá các vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, dân cư, dân tộc, tôn giáo và an ninh quốc phòng trong tiến trình phát triển bền vững Tây Nguyên. Chương trình Tây Nguyên 3 cũng xét, tuyển chọn 10 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ. Đây là nhóm các đề tài ứng dụng chuyển giao công nghệ hóa học, vật liệu, sinh học, công nghệ thông tin, viễn thám… cho Tây Nguyên, trong đó, ưu tiên lựa chọn các công nghệ thích hợp nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế trong khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên vừa quản lý bền vững tài nguyên môi trường Tây Nguyên.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các đề tài khoa học trên đều cung cấp cơ sở dữ liệu phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội Tây Nguyên và các tỉnh khu vực Tây Nguyên trong xây dựng kế hoạch 5 năm trước mắt và những năm tiếp theo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ thích hợp nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế trong khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Các đề tài khoa học trên cũng cung cấp luận cứ khoa học cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững khu vực Tây Nguyên trên cơ sở hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với nâng cao phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái…
Bắt đầu chuyển giao
Hiện nay, các đề tài khoa học này đã bắt đầu chuyển giao cho cho các địa phương phục vụ định hướng quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên.
Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2011 - 2015 (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên 3) đã được triển khai từ cuối năm 2011. Đây là Chương trình khoa học tổng hợp liên ngành phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên. |
Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng trong cả nước về kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng, đặc biệt là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp với lợi thế cây công nghiệp, rau, hoa, chăn nuôi gia súc và lâm nghiệp, khoáng sản góp phần cho sự phát triển của toàn vùng. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư phát triển thế mạnh của mình, sự tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực này đang đặt ra những thách thức như: Suy thoái tài nguyên rừng, suy giảm đa dạng sinh học, môi trường sinh thái diễn biến phức tạp. Mặt khác, trình độ sản xuất nông nghiệp còn ở mức thấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn chưa tương xứng tiềm năng.
Một số lĩnh vực được các nhà khoa học quan tâm như: Công nghệ sinh học, giải pháp đồng bộ để chương trình tái canh cà phê các tỉnh Tây Nguyên đạt hiệu quả cao, công nghệ thông tin đang được chuyển giao vào thực tế sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Nhiều đề tài và giải pháp khoa học và công nghệ cũng đã được chia sẻ như cây trồng biến đổi gen, thuốc trừ sâu sinh học phòng trừ tuyến trùng rễ cà phê, ứng dụng công nghệ cấy chuyển phối bò sữa cao sản tại Tây Nguyên, chiến lược quản lý tổng hợp tuyến trùng gây hại trong hệ sinh thái nông nghiệp Tây Nguyên, sử dụng tuyến trùng có lợi trong phòng trừ sinh học sâu hại cây trồng, phát triển thuốc trừ sâu vi sinh.
Theo GS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3, một số nhà khoa học đề nghị: Trong thời gian tới cần tập trung tháo gỡ những khó khăn về cơ chế chuyển giao, duy trì và phát triển công nghệ phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, cũng như sớm có một chính sách đặc thù cho Tây Nguyên trong chuyển giao công nghệ. Đồng thời cần sự liên kết hợp tác của các đơn vị khoa học và công nghệ để tạo thành hệ thống đồng bộ đặc thù cho Tây Nguyên nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc đưa khoa học và công nghệ vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Quang Huy - Đặng Tuấn