Phát triển gạch không nung - Bài cuối: Thúc đẩy phát triển, giảm ô nhiễm môi trường

Sau gần 10 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung, đến nay, gạch không nung vẫn cần “đòn bẩy” phát triển.

Sản xuất gạch không nung tại Công ty Cổ phần Hồng Hà, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn. Ảnh: Bùi Đức Hiếu/TTXVN

Việc khuyến khích phát triển, chế tạo, sử dụng thiết bị sản xuất gạch không nung được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, nhóm nghiên cứu Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” đề xuất nhiều giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng gạch không nung, trong đó đề xuất ban hành các tiêu chuẩn liên quan đến gạch không nung, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

Giảm ô nhiễm, bảo vệ môi trường

Ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ được Chính phủ phê duyệt, thực hiện trong thời gian 5 năm. Mục tiêu của dự án góp phần thúc đẩy sử dụng vật liệu xây không nung “từng bước” thay thế dần gạch đất sét nung, nhằm cắt giảm tỉ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam.

Dự án giảm mức phát thải khí nhà kính thông qua việc thay thế các lò gạch đốt than đá, theo đó, dự án giúp giảm phát thải khí nhà kính trực tiếp ước tính khoảng 383 ktonnes CO2, giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước tính là 13.409 ktonnes CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc.

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho biết: Thực tế, dây chuyền thiết bị sản xuất gạch xi măng cốt liệu ở Việt Nam đang áp dụng hai công nghệ chính là công nghệ ép rung và công nghệ ép tĩnh. Công nghệ ép rung có ưu điểm cho năng suất lớn, tiêu hao năng lượng ít, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tuy nhiên do lực ép nhỏ nên gạch có độ rỗng lớn, mẫu mã gạch chưa đa dạng nên chưa đáp ứng được các yêu cầu và thị hiếu của người dân nên chưa thay thế được gạch đỏ đất nung ở các thị trường truyền thống. Công nghệ ép tĩnh có ưu điểm là không ồn, sản phẩm đẹp, tiêu tốn ít xi măng, ít ô nhiễm, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường, đáp ứng yêu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, nhưng do giá thành đầu tư lớn nên vẫn chiếm thị phần nhỏ khoảng gần 20%. Hiện nay, xu hướng đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung hướng đến các dây chuyền đồng bộ, có trình độ công nghệ hiện đại, mức độ tự động hóa cao, tiêu hao năng lượng ít góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong khuôn khổ hội thảo “Xây dựng chính sách và tiêu chuẩn khuyến khích, chế tạo thiết bị gạch không nung trong nước”, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ thực tiễn thực hiện, tác động những cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực cơ khí, xây dựng; đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế; giải pháp hỗ trợ các đơn vị trong nước nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm có chất lượng cao… Đặc biệt, xem xét việc xây dựng các tiêu chuẩn về an toàn, bảo vệ môi trường (rung động, tiếng ồn…), chất lượng sản phẩm đối với dây chuyền, thiết bị sản xuất gạch không nung, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành sản xuất vật liệu xây không nung trong nước.

Thúc đẩy phát triển

Gạch không nung làm từ xỉ than của Công ty cổ phần Mãi Xanh (Tuy Phong, Bình Thuận) được sử dụng trong xây dựng. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, dựa vào thực tế sản xuất của các đơn vị sản xuất gạch không nung, xu hướng đầu tư cũng như mục tiêu của Chương trình phát triển vật liệu xây không nung của Chính phủ, dự báo trung bình từ năm 2017 - 2020 mỗi năm nhu cầu thị trường trong nước cần khoảng 100 dây chuyền loại 20 triệu viên/năm đối với gạch xi măng cốt liệu; 7 dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp loại 100 triệu viên/năm và khoảng 13 dây chuyền gạch bê tông bọt loại 15 triệu viên/năm.

Ông Đào Danh Tùng, Vụ Vật liệu xây dựng cho biết: Hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 40 doanh nghiệp nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và cung ứng thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng không nung ra thị trường như: Công ty Cổ phần Cơ khí và Vật liệu xây dựng Thanh Phúc; Công ty Cổ phần Đoàn Minh Công; Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Đức Thành… Các doanh nghiệp trong nước đã đáp ứng được khoảng trên 50% nhu cầu về dây chuyền và thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng không nung tại thị trường trong nước, trong đó tập trung chủ yếu là các dây chuyền sản xuất gạch xi măng. Về cơ bản, các doanh nghiệp trong nước đã làm chủ được thiết kế và chế tạo các dây chuyền thiết bị sản xuất gạch xi măng công suất đến 40 triệu viên QTC/năm...


Để tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung từng bước tiến tới xóa bỏ hoàn toàn gạch đất sét nung, nhóm nghiên cứu dự án cho rằng: Đội ngũ nhân lực và năng lực quản lý, vận hành là nhân tố có tính chất quyết định đến sự vận hành hiệu quả và sự phát triển sản xuất của doanh nghiệp cũng như sản xuất gạch không nung nói riêng, vì vậy, cần nâng cao năng lực, trình độ, đầu tư “thỏa đáng” cho nguồn nhân lực trình độ cao.

Đáng chú ý, hiện nay trên thế giới chưa có quốc gia nào xây dựng tiêu chuẩn riêng dành cho các loại máy và thiết bị dây chuyền sản xuất gạch không nung, chỉ các hãng lớn xây dựng tiêu chuẩn riêng cho sản phẩm của mình nhưng chỉ dừng lại ở tiêu chuẩn sản phẩm độc quyền của hãng mang tính bí quyết công nghệ chứ không phải tiêu chuẩn chung nên không được công khai rộng rãi. Do đó, cần tiến hành công tác nghiên cứu, tham khảo tiêu chuẩn của các hãng có công nghệ tiên tiến để từng bước xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho dây chuyền thiết bị sản xuất gạch không nung phù hợp với trình độ công nghệ, kỹ thuật trong nước.

Ông Đào Danh Tùng, Vụ Vật liệu xây dựng, nhóm nghiên cứu đề xuất: Qua quá trình nghiên cứu thực tế dự án, các cơ quan chức năng nên khuyến khích các dơn vị chế tạo dây chuyền thiết bị gạch không nung trong nước theo hướng tập trung chế tạo dây chuyền thiết bị sản xuất gạch không nung có trình độ kỹ thuật công nghệ tạo ra sản phẩm chất lượng, tuổi thọ cao, lượng tiêu hao năng lượng ít phù hợp với trình độ phát triển trong nước. Đồng thời, nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực trong thiết kế để tạo ra dây chuyền, sản phẩm tiệm cận với trình độ các nước phát triển.

Để thúc đẩy sản xuất, tăng cường sử dụng gạch không nung trong thời gian tới, nhà nước “nên” có chính sách hạn chế nhập khẩu các dây chuyền thiết bị mà trong nước đã sản xuất được, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, đồng thời hạn chế nhập khẩu công nghệ có trình độ kém, năng suất thấp và tiêu hao nhiên liệu lớn để góp phần bảo vệ môi trường, ông Đào Danh Tùng kiến nghị.

HL (TTXVN)
Phát triển gạch không nung: Bài 2 - Thực trạng sản xuất và nhu cầu thị trường
Phát triển gạch không nung: Bài 2 - Thực trạng sản xuất và nhu cầu thị trường

Phát triển vật liệu xây không nung để thay thế dần gạch đất sét nung là một chủ trương đúng của Chính phủ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Chương trình phát triển vật liệu xây không nung vẫn chưa như kỳ vọng và “đích” tới vẫn còn nhiều gian nan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN