Sản xuất gạch không nung tại Công ty Cổ phần Hồng Hà, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn. Ảnh: Bùi Đức Hiếu/TTXVN |
Theo Bộ Xây dựng, sử dụng vật liệu xây không nung có thể giúp tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp.
Hàng năm, nếu sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp như tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao… để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải.
Chính phủ và các bộ, ngành đã đưa ra nhiều chính sách, cơ chế để khuyến khích phát triển gạch không nung. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, nhiều chính sách đưa ra chưa cụ thể, khi áp dụng ở nhiều địa phương không thực hiện được.
Đơn cử như cơ chế ưu đãi đối với dự án đầu tư mới còn các dự án đầu tư mở rộng đầu tư thêm thì không được thụ hưởng; Hay các dự án nằm trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của các doanh nghiệp là chủ đầu tư khu công nghiệp thì hầu như không được hưởng các chính sách ưu đãi…
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa có giải pháp cụ thể hữu hiệu nhằm tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, nhận thức của nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu và người tiêu dùng về vật liệu xây không nung còn chưa đầy đủ…
Ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường - đơn vị tiên phong sản xuất gạch không nung từ chất thải tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện chạy than, hóa chất - cho hay, thực chất trong thời gian qua, các chính sách ban hành sau 6 năm rất nhiều, nhưng đi vào thực tế thì chưa được như mong muốn, chưa “chạm” được đến doanh nghiệp.
Chính sách còn nhiều bất cập, từ trung ương đến địa phương chưa đồng bộ. Có những tỉnh thành, quản lý chuyên môn còn chưa hiểu hết tính năng, ưu việt của vật liệu không nung và các văn bản từ Trung ương, thì rất khó khăn để áp dụng vậy liệu không nung vào đời sông.
“Các chính sách ưu đãi thì vẫn ở tầm vĩ mô, triển khai ưu đãi vốn cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, hay tiếp cận vốn ưu đãi còn khó khăn, tiền thuê đất… còn rất chung chung. Khi doanh nghiệp làm việc với các đơn vị liên quan thì gần như không có văn bản cụ thể mà chỉ nhận được câu trả lời là hỏi bộ nọ, bộ kia thì doanh nghiệp không thể tiếp cận được”, ông Kiều Văn Mát nói.
Thêm nữa, ông Kiều Văn Mát cũng cho rằng, khi hạn chế vật liệu nung (gạch đỏ), thì chính sách phải rõ ràng, nhất quán và phải dứt khoát hơn. Vì hiện tốc độ gia tăng của gạch nung đang rất mạnh, giá đang cạnh tranh khốc liệt, trong khi sản xuất và tiêu thụ gạch không nung vẫn còn khó khăn.
Do vậy, ngoài việc tăng cường tuyên truyền cho người thiết kế, tư vấn và người sử dụng về vật liệu không nung để bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên thì có thể đánh thuế cao đối với việc sử dụng gạch nung.
Bởi hiện gạch đất sét nung, sử dụng đất đai chưa phải chịu áp lực về thuế đất cao, nguồn than thì cũng tận dụng được nên thuận lợi hơn. Còn các doanh nghiệp phát triển gạch không nung phải đầu tư công nghệ mới, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, hỗ trợ không được nhiều… mà để doanh nghiệp tự bơi thì rất khó, ông Kiều Văn Mát khuyến nghị.
Để thúc đẩy phát triển vật liệu xây dựng không nung, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển vậy liệu xây dựng không nung đến năm 2020 tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung; và gần đây nhất là Nghị định 24a/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng; trong đó khuyến khích phát triển vật liệu xây không nung.
Bà Akiko Fujii, Phó giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho rằng, việc ban hành các chính sách như Nghị định 24a của Chính phủ đang giúp nhiều thành phố như Tp. Hồ Chí Minh, Hải Dương… triển khai tốt chương trình phát triển gạch không nung. UNDP cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với phía Việt Nam để hỗ trợ hơn nữa trong vấn đề phát triển vật liệu xây không nung, nhằm bảo vệ môi trường, giảm phát thải nhà kính.
Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho rằng, cần tiếp tục thực hiện dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” một cách hiệu quả nhất.
Thứ trưởng đề nghị Sở Xây dựng các tỉnh tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh các chính sách về sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung theo Nghị định 24a của Chính phủ; đồng thời, có chính sách quản lý chặt chẽ sản xuất gạch đất sét nung, hạn chế tối đa việc sử dụng đất nông nghiệp làm nguyên liệu sản xuất gạch đất sét nung.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần ban hành đồng bộ, cụ thể hóa các chính sách ưu đãi sử dụng phế thải công nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung và bắt buộc sử dụng vật liệu mới vào các công trình xây dựng theo các tiêu chí một cách cụ thể.
Ngoài ra, phía Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp để tăng cường thanh tra, kiểm tra; trong đó có việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, tuân thủ kỹ thuật xây dựng; thực hiện Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09/2012 của Bộ Xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ việc sử dụng vật liệu xây không nung theo quy định…