Phía Đông TP Hồ Chí Minh cũng như khu vực lân cận như Bình Dương, Đồng Nai hiện có rất nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội với các trường đại học, khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tại TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai, nhiều dự án về công nghệ cao được đầu tư trong thời gian qua và đây cũng đang là xu hướng thu hút đầu tư được địa phương chú trọng. Các đô thị cũng dần được hình thành để đáp ứng xu hướng phát triển khu vực này.
TTXVN giới thiệu loạt bài viết về thu hút đầu tư theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường tại Đồng Nai gắn với liên kết vùng; phát triển các đô thị để kết nối phát triển công nghiệp trong vùng.
Bài 1: Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư
Thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là chủ trương công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, các địa phương như TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai đã có bước phát triển mạnh mẽ, với các khu công nghiệp lớn, hiện đại. Trong giai đoạn hiện nay, giá nhân công rẻ, lợi thế về đất đai không còn là thế mạnh, việc chuyển đổi định hướng thu hút đầu tư đang được các địa phương thực hiện, với mục tiêu thu hút các dự án hiệu quả, ít tác động đến môi trường.
Khu công nghiệp Đồng Nai “hết chỗ”
Năm 2021, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng với phương châm chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp nên quá trình hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại các Khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai vẫn đạt kết quả khả quan. Theo báo cáo của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, tỉnh thu hút được gần 1,1 tỷ USD vốn FDI, đạt gần 160% kế hoạch cả năm.
Cụ thể, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được thêm 46 dự án đầu tư mới FDI với số vốn đầu tư đăng ký hơn 358 triệu USD và 8 dự án đầu tư trong nước với số vốn hơn 1.138 tỷ đồng; đồng thời có 94 dự án FDI tăng vốn với số vốn tăng thêm hơn 736 triệu USD và 7 dự án trong nước tăng hơn 1.248 tỷ đồng.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp được thành lập, trong đó 31 khu công nghiệp đang hoạt động, 1 khu công nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng hạ tầng (Khu công nghiệp Công nghệ cao Long Thành). Các khu công nghiệp có tỉ lệ lấp đầy rất cao (trung bình 84%), trong đó đa số các khu công nghiệp ở thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành, Trảng Bom đã không còn diện tích đất cho thuê.
Đồng Nai cũng đang mở rộng nhiều khu công nghiệp như: Hố Nai (Trảng Bom), Amata (Biên Hòa), Sông Mây (Trảng Bom). Vấn đề mở rộng khu công nghiệp ở Đồng Nai là rất cần thiết, bởi quỹ đất xây nhà xưởng trong các khu công nghiệp còn rất ít, không đáp ứng yêu cầu nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với mở rộng nhiều khu công nghiệp, Đồng Nai cũng đang chuyển hướng trong thu hút đầu tư, “chọn lọc” các dự án với yêu cầu cao hơn.
Ông Lê Văn Danh, Phó Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, thực hiện chủ trương của tỉnh, Ban Quản lý tiếp tục tập trung thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề, những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ... Tỉnh cũng hạn chế những dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo theo đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai.
Với chủ trương này, Đồng Nai đang hình thành Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành nhằm nâng cao chất lượng thu hút đầu tư. Ông Lê Văn Danh cho biết, hiện nhà đầu tư đang triển khai các bước để đầu tư hạ tầng. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề giải phóng mặt bằng. Cơ quan chức năng Đồng Nai đang phối hợp cùng nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành. Đồng thời, tỉnh đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư những vấn đề liên quan đến chính sách trong quá trình triển khai khu công nghiệp này.
Phát triển bền vững
Những năm gần đây, Đồng Nai thực hiện chủ trương thu hút FDI có chọn lọc, kiên quyết từ chối những dự án gây ô nhiễm, sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu như thuộc da, dệt nhuộm, xi mạ. Tỉnh ưu tiên thu hút những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ và những dự án vốn nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp đưa ra lộ trình chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Mục tiêu đến năm 2025, hơn 80% doanh nghiệp trong tỉnh sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, thân thiện với môi trường. Hiện nay, tại Đồng Nai có gần 700 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó có 3 doanh nghiệp được xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản xuất công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch thu hút dòng vốn FDI cho 5-10 năm tới, trong đó tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, mời gọi những dự án có công nghệ cao, công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch. Đồng Nai cũng tăng cường xúc tiến đầu tư để doanh nghiệp FDI quan tâm nhiều hơn đến các dự án về hạ tầng kỹ thuật, logistics, khu đô thị thông minh, thương mại dịch vụ, năng lượng.
Đồng Nai có lợi thế về cảng hàng không quốc tế Long Thành và một số tuyến đường cao tốc như: Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết đang được đầu tư xây dựng... Do đó, doanh nghiệp FDI đầu tư vào các lĩnh vực trên có rất nhiều cơ hội để thành công. Theo ông Lê Văn Danh, việc phát triển công nghiệp của Đồng Nai trong những năm tới sẽ tập trung vào các khu vực vùng xa như Xuân Lộc, Định Quán, Long Khánh, đặc biệt là huyện Cẩm Mỹ nhằm tận dụng lợi thế sân bay Long Thành. Với vùng Long Thành – Nhơn Trạch, nhờ lợi thế gần sân bay Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải, cảng Phước An nên Đồng Nai sẽ xây dựng khu logistics ở huyện Long Thành.
Ngoài lĩnh vực công nghiệp, nhiều doanh nghiệp FDI đang quan tâm, dự tính rót vốn vào những dự án thương mại dịch vụ, năng lượng và bất động sản. “Hiện Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã chuyển sang sống chung an toàn với dịch COVID-19 và có chính sách mở cửa lại nền kinh tế. Đây sẽ là cơ hội cho các tập đoàn FDI mở rộng đầu tư ra nước ngoài, Đồng Nai sẽ tận dụng cơ hội này mời gọi doanh nghiệp FDI thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ.
Cùng với quá trình phát triển công nghiệp, đến nay Đồng Nai thu hút đông đảo lao động nhập cư. Điều này gây ra nhiều hệ lụy như thiếu trường lớp, hệ thống y tế quá tải, hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông không đáp ứng đủ nhu cầu. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đóng tại các huyện, thành phố trung tâm đang đối mặt với bài toán thiếu lao động. Để giải quyết tình trạng này, tỉnh sẽ ưu tiên xây mới, mở rộng các khu công nghiệp ở vùng xa như huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn lao động tại chỗ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, tỉnh ưu tiên cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ sạch, hạn chế thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động để khi dịch bệnh xảy ra hạn chế tối đa thiệt hại về lao động, sản xuất. Đồng Nai đang ưu tiên thúc đẩy nhanh đầu tư các dự án nhà ở công nhân để đảm bảo nơi sinh sống cho người lao động, khi xảy ra dịch bệnh, các doanh nghiệp vẫn có thể đảm bảo số lao động để duy trì sản xuất.
Để thu hút các dự án chất lượng, giá trị gia tăng cao, cùng với những chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, tỉnh Đồng Nai đã và đang phát triển cơ sở hạ tầng để đáp ứng mục tiêu này. Những dự án, khu công nghiệp công nghệ cao đang được xúc tiến hình thành để đón các nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Bài 2: Hình thành chuỗi kết nối khu công nghệ cao