Phát hồ sơ mời thầu gạo dự trữ quốc gia từ ngày 17/4 

Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, ngày 17/4 sẽ phát hồ sơ trên hệ thống để ngày 12/5 tổ chức đấu thầu lại 182.300 tấn gạo đưa vào dự trữ quốc gia, bao gồm cả hơn 178.000 tấn gạo đã đấu thầu tháng trước của 28 doanh nghiệp trúng thầu nhưng phần lớn đã từ chối không ký hợp đồng để bàn giao gạo.

Chú thích ảnh
Lúa Đông Xuân được thương lái thu mua tập trung tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: TTXVN

Tổng cục Dự trữ Nhà nước dự kiến hoàn thành nhập kho hơn 180.000 tấn gạo trong tháng 6, chậm hơn kế hoạch ban đầu 15-30 ngày. Đồntrg thời, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quán triệt đến các Cục dự trữ Nhà nước phải khẩn trương tổ chức mua đủ 100% số lượng gạo được Thủ tướng Chính phủ giao 190.000 tấn gạo dự trữ trong năm 2020.

Tổng cục Dự trữ Nhà Nước cho biết, những năm trước cũng có một số nhà thầu từ chối ký hợp đồng sau khi trúng nhưng số lượng rất ít, không quá ảnh hưởng đến nguồn dự trữ quốc gia hàng năm. Tuy nhiên, năm nay, mới xuất hiện hiện tượng hàng loạt các doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng. Theo đánh giá của Tổng cục Dự trữ Nhà nước nguyên nhân là do dịch COVID-19, nhu cầu dự trữ và mua tạm trữ của người dân, doanh nghiệp và cả xuất khẩu lên cao nên có tình trạng này.    

Mặt khác, những tháng đầu năm nay, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đi các thị trường như Trung Quốc, Philippines, Malaysia... tăng mạnh, nhất là với loại gạo tẻ đủ tiêu chuẩn nhập kho dự trữ quốc gia. So với khi mở thầu hôm 12/3, giá gạo đã liên tục tăng 1.200 - 2.000 đồng/kg. Do vậy, doanh nghiệp trúng không cung cấp gạo và từ chối ký hợp đồng. 

Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp bỏ thầu lần này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu mua dự trữ gạo quốc gia hiện nay.

Theo Luật Đấu thầu, 24 doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng sẽ bị thu số tiền bảo đảm dự thầu, tương đương khoảng 1-3% theo quy mô, giá trị gói thầu, để nộp ngân sách nhà nước. Hiện tại, Luật Đấu thầu và các văn hướng dẫn thi hành không có chế tài nào xử lý khác.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu thầu để quy định mức đảm bảo dự thầu cao hơn hoặc thêm chế tài xử lý khác. Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, mức thu số tiền đảm bảo dự thầu bằng 1-3% giá trị gói thầu chưa đủ ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi thị trường có biến động tăng giá cao.

Tại lần đấu thầu trước đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết mới chỉ ký hợp đồng được 7.700 tấn gạo (đã nhập kho 3.280 tấn). Trong đó, 2 doanh nghiệp ký đủ số lượng gạo đã trúng thầu, 2 doanh nghiệp ký một phần số đã trúng thầu, còn lại 24 doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Đỗ Việt Đức cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do nhà thầu từ chối ký hợp đồng và bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Theo Tổng cục Hải quan, có 4 đơn vị đã trúng thầu dự trữ quốc gia gạo với Tổng cục Dự trữ Nhà nước nhưng lại từ chối ký hợp đồng để giao gạo. Khi Thủ tướng cho nối lại xuất khẩu gạo, hải quan cho mở tờ khai xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn, 4 đơn vị này lại đăng ký xuất khẩu đến hàng nghìn tấn.

TTXVN/Báo Tin tức
Danh sách doanh nghiệp trúng thầu gạo dự trữ quốc gia nhưng từ chối ký kết
Danh sách doanh nghiệp trúng thầu gạo dự trữ quốc gia nhưng từ chối ký kết

Như Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã mở đợt thầu thu mua 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2020, nhưng nhiều doanh nghiệp trúng thầu đã không đến ký hợp đồng, khiến số lượng thu mua mới chỉ đạt 7.700 tấn, không đủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN