Phân vân khi đeo vòng nhận diện cho lợn

Việc TP Hồ Chí Minh quy định muốn bán lợn cho thị trường này cần phải có vòng đeo cho lợn để truy xuất nguồn gốc đang khiến người chăn nuôi băn khoan bởi phát sinh thêm chi phí.

Trong nền kinh tế mở, thịt lợn từ nước ngoài sẽ xâm nhập thị trường Việt Nam, để cạnh tranh, người chăn nuôi và ngành chức năng phải tìm cách hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, đeo vòng nhận diện sẽ đẩy giá thành chăn nuôi lên cao. Mục tiêu của đề án là nhằm xây dựng thương hiệu cho lợn của Đồng Nai, song điều này còn mới mẻ và gây không ít băn khoăn.

Gia đình bà Nguyễn Thúy An (ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) nuôi hơn 700 con lợn thịt. Mỗi tháng bà An xuất bán khoảng 200 con, với giá 28.000 - 30.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi con lợn bà An lỗ hơn 800.000 đồng. Ngoài ra, gần 100 con lợn nái của bà An vẫn sinh sản đều, song do giá lợn hơi thấp nên người chăn nuôi không tái đàn, lợn giống của bà bán không ai mua, bà phải giữ lại nuôi, khó khăn chồng chất.

Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thịt lợn sau khi mua tại Siêu thị Co.op mart Foodcosa, Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN

Theo tính toán của bà An, để nuôi một con lợn đạt trọng lượng 100 kg, người nuôi phải chi 3 triệu tiền thức ăn, cộng với tiền con giống (khoảng 600.000 đồng/con) thuốc thú y, công chăm sóc, giá thành mỗi con lợn phải trên 38.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi. Từ cuối năm 2016 đến nay, giá lợn ở Đồng Nai xuống thấp, việc chăn nuôi của bà An vô cùng khó khăn, bà đã thua lỗ hàng trăm triệu đồng.

Bà An chia sẻ: “Để kiểm soát an toàn thực phẩm, cơ quan thú y, quản lý thị trường đã thực hiện việc phòng bệnh, kiểm dịch, kiểm tra tại các chợ. Là người chăn nuôi, do được tuyên truyền, hiểu các quy định của pháp luật nên gia đình tôi không sử dụng chất cấm. Bây giờ cơ quan chức năng yêu cầu phải đeo vòng chân cho lợn nếu muốn bán vào TP Hồ Chí Minh, tiền vòng người chăn nuôi phải trả. Điều này làm chi phí chăn nuôi tăng, chăn nuôi đã khó càng thêm khó. Bên cạnh đó, quá trình đeo vòng được thực hiện thủ công, rất nguy hiểm”.

Theo bà An, thời gian qua, bà đang bán thịt cho thương lái, họ đưa đi đâu tiêu thụ bà không thể kiểm soát được, nhiều thương lái có thể dựa vào chuyện đeo vòng để ép người nuôi trả thêm tiền. Quy định đeo vòng mang tính địa phương (chỉ áp dụng ở Thành phố Hồ Chí Minh), điều này có thể làm xáo trộn thị trường.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kiều (xã Phú Sơn, huyện Trảng Bom) đã có thâm niên nuôi lợn gần 10 năm. Điều mà bà Kiều phân vân là thị trường tiêu thụ lợn của Việt Nam vẫn chủ yếu là trong nước và xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện xuất khẩu lợn chủ yếu vẫn qua đường tiểu ngạch, rất bấp bênh. Để người chăn nuôi có đầu ra ổn định, xây dựng thương hiệu cho lợn, cơ quan chức năng cần đàm phán với các nước để xuất khẩu lợn theo đường chính ngạch. Khi lợn Việt Nam được thị trường các nước chấp thuận, người chăn nuôi sẽ tự nguyện tham gia vào chuỗi sản xuất sạch, đúng quy trình.

Bà Kiều nêu quan điểm: “Chúng tôi được tuyên truyền nuôi lợn theo VietGap, bây giờ ngành chức năng ra chủ trương đeo vòng mới cho bán lợn vào TP Hồ Chí Minh, trường hợp lợn đã đạt chuẩn VietGap (được ngành chức năng chứng nhận) thì vẫn phải đeo vòng để truy xuất nguồn gốc. Ở đây có sự chồng chéo bởi nhiều quy định. Người chăn nuôi lo, thời gian tới, tỉnh, thành nào đó lại đề ra một biện pháp khác để truy xuất nguồn gốc, lúc đó việc tiêu thụ lợn, đặc biệt là của những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ gặp nhiều rào cản”.

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng, người chăn nuôi phải bỏ thời gian, chi phí để đeo vòng cho lợn, nhưng khi ra thị trường, sẽ có bao nhiêu người tiêu dùng thực hiện truy xuất nguồn gốc. Hiệu quả của đề án mơ hồ.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, truy xuất nguồn gốc lợn là tốt, điều này nhằm đảm bảo vệ sinh thực phẩm, ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi. Thời điểm hiện nay, khi giá lợn đang xuống thấp, người nuôi phải trả thêm tiền đeo vòng làm chi phí chăn nuôi tăng. Hiện, người chăn nuôi trong tỉnh đang có nhiều lo lắng, phân vân đối với vấn đề đeo vòng cho lợn. Để có thực phẩm sạch, an toàn, cơ quan Trung ương cần áp dụng chế tài mạnh đối với hành vi sử dụng chất cấm; đề ra giải pháp triển khai trên toàn quốc.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Đồng Nai, cho biết, hiện lợn của Đồng Nai chủ yếu bán vào TP Hồ Chí Minh. Quy định đeo vòng cho lợn do TP Hồ Chí Minh đặt ra. Đề án đeo vòng giúp người chăn nuôi tự đổi mới để thích ứng, do bị truy xuất nên họ sẽ không giám sử dụng chất cấm; cơ quan Nhà nước cũng dễ quản lý vấn đề an toàn thực phẩm. Chi phí đeo vòng mỗi con lợn là 6.000 đồng, khi giá lợn ở mức cao, số tiền này là không lớn. Do đề án mới triển khai nên người chăn nuôi nhỏ lẻ chưa nắm được, chưa tham gia.

Sau hơn 1 tháng thực hiện, toàn tỉnh Đồng Nai có gần 350 trang trại lớn đăng ký tham gia đeo vòng truy xuất nguồn gốc; 60.000 con lợn sống đã được đeo vòng bán vào chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Đồng Nai, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ ở khâu kiểm tra, kiểm soát trên thị trường mà phải đi sâu từ khâu sản xuất. Đồng Nai ủng hộ Đề án đeo vòng truy xuất nguồn gốc, vì đây là chủ trương tiến bộ để hội nhập quốc tế. Trong quá trình thực hiện, nếu xuất hiện khó khăn, vướng mắc, chính quyền cùng người dân tháo gỡ. 

Sắp tới, cơ quan chức năng sẽ về tận các xã tập huấn, hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách thức đăng ký tham gia, đeo vòng và kích hoạt vòng nhận diện cho lợn. Đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn Đồng Nai khi tham gia đề án đeo vòng, ngành chức năng sẽ hỗ trợ 50% chi phí.

Công Phong (TTXVN)
Người chăn nuôi Bến Tre muốn sớm đăng ký truy xuất nguồn gốc thịt lợn
Người chăn nuôi Bến Tre muốn sớm đăng ký truy xuất nguồn gốc thịt lợn

Ngày 22/3, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã làm việc với lãnh đạo Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre và các cơ sở chăn nuôi, thương lái thu mua lợn trên địa bàn tỉnh Bến Tre về vấn đề quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN