PetroVietnam phát triển mạnh dịch vụ dầu khí

Năm 2015, doanh thu từ dịch vụ dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) sẽ đạt 35% tổng doanh thu của Tập đoàn, cao hơn 5% so với mục tiêu chiến lược đã được Bộ Chính trị kết luận và Thủ tướng Chính phủ quyết định. ­

Đó là chỉ tiêu kế hoạch và quyết tâm của PetroVietnam, được đưa ra ngày 2/4 tại Vũng Tàu trong Hội nghị tổng kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 233/NQ - ĐU ngày 17/3/2009 của Đảng ủy PetroVietnam về "phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các dịch vụ của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn".

Theo Phó Tổng giám đốc PetroVietnam Vũ Quang Nam, lĩnh vực dịch vụ của Tập đoàn trong những năm qua đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào tăng trưởng của Tập đoàn. Đặc biệt, kể từ khi triển khai Nghị quyết 233, kết quả hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực dầu khí của PetroVietnam đã có bước đột phá quan trọng, góp phần thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Chính trị. Năm 2010, doanh thu từ dịch vụ của PetroVietnam chiếm 32% trong tổng doanh thu của Tập đoàn, tương đương 152.500 tỷ đồng, tăng 58% so với năm 2009. Trong 3 tháng đầu năm 2011, doanh thu từ lĩnh vực này đã đạt 45.000 tỷ đồng trong tổng doanh thu 151.000 tỷ đồng của Tập đoàn.

Giàn khoan Bạch Hổ. Ảnh: Hà Thái - TTXVN


Sự phát triển cả chiều sâu và chiều rộng trong lĩnh vực dịch vụ trong 2 năm qua đã giúp Tập đoàn giảm mạnh chi phí thuê dịch vụ của nước ngoài, góp phần cùng Chính phủ cân đối nguồn ngoại tệ, giảm nhập siêu. Nhờ đẩy mạnh dịch vụ trong ngành, Tập đoàn đã thu được thêm 2,67 tỷ USD trong năm 2009 và 6,2 tỷ USD trong năm 2010 do không phải thuê dịch vụ của nước ngoài.

Để doanh thu từ dịch vụ chiếm tỷ lệ cao hơn 5% so với mục tiêu chiến lược đã được Bộ Chính trị kết luận và Thủ tướng Chính phủ quyết định (30%), PetroVietnam đã đưa ra nhiều giải pháp như yêu cầu các doanh nghiêp dịch vụ tái cơ cấu lại các nguồn lực theo hướng tập trung chuyên sâu vào các ngành nghề chính, tránh chồng chéo; quy hoạch lại cơ sở vật chất để khai thác tối đa năng lực; từng đơn vị đầu tư cấu trúc lại sản phẩm, dịch vụ, thiết bị và công nghệ; cải tiến phương pháp quản lý, triệt để cắt giảm chi phí không hợp lý...

PetroVietnam cũng kiến nghị: Bên cạnh nỗ lực của Tập đoàn, Chính phủ cần cho phép Tập đoàn được tiếp tục áp dụng cơ chế tự thực hiện các dự án trong ngành trên cơ sở đảm bảo chất lượng, tiến độ và giá cả cạnh tranh để có thể chủ động trong phát triển dịch vụ dầu khí và đáp ứng kịp thời các yêu cầu trong triển khai các dự án đầu tư trọng điểm của Nhà nước và của Tập đoàn.

Ngoài ra, nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong cung cấp dịch vụ dầu khí, Chính phủ và Bộ Tài chính cần giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra từ 10% như hiện nay cho các đơn vị cung cấp dịch vụ dầu khí của PetroVietnam xuống 5%, bằng với thuế đang áp dụng đối với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên PetroVietnam Đinh La Thăng khẳng định: Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 233, PetroVietnam và các đơn vị thành viên đã có điều kiện phát huy mạnh mẽ nội lực để tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong bối cảnh suy giảm kinh tế chung. Ðến nay, hầu hết các đơn vị dịch vụ của Tập đoàn đều có đủ năng lực và khả năng cạnh tranh để thực hiện được 100% yêu cầu dịch vụ theo mục tiêu trọng tâm của từng đơn vị, điển hình là: Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro; các tổng công ty PTSC, PVOil, PVC, PVGas, PVTrans, PVI, PVFC, EIC, DMC, VPI, PVMTC... Tăng trưởng trong doanh thu dịch vụ dầu khí đã giúp giữ được nguồn ngoại tệ để đầu tư cho các dự án lớn ở Việt Nam, góp phần cùng Chính phủ cân đối nguồn ngoại tệ xuất nhập khẩu.

P.V

PVN khẳng định không đầu tư kinh doanh bất động sản

"Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không đầu tư trực tiếp vào các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, không dùng vốn dành cho các hoạt động dầu khí để đầu tư kinh doanh bất động sản trong ngành".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN