Điều này mở ra khả năng các nước trong và ngoài OPEC sẽ tiếp tục kế hoạch cắt giảm nguồn cung trong phần còn lại của năm 2019.
Theo dự báo của OPEC, nhu cầu dầu thế giới dự báo sẽ tăng 1,14 triệu thùng/ngày trong năm nay, thấp hơn 70.000 thùng/ngày so với ước tính trước đó. Trong suốt nửa đầu năm 2019, căng thẳng thương mại toàn cầu đã leo thang và những rủi ro liên quan đến những tranh chấp này tiếp tục ảnh hưởng tới mức tăng nhu cầu dầu trên toàn thế giới.
Bên cạnh việc hạ thấp dự báo về nhu cầu dầu mỏ, OPEC cho biết lượng dầu dự trữ tại các nền kinh tế phát triển đã tăng trong tháng Tư, một chiều hướng có thể làm gia tăng mối quan ngại về khả năng dư thừa dầu trong tương lai. Dự trữ dầu mỏ trong tháng Tư đã vượt mức trung bình trong 5 năm khoảng 7,6 triệu thùng.
Mặc dù vậy, báo cáo chỉ ra rằng OPEC sẽ không cung cấp đủ dầu cho thế giới trong năm 2019, ngay cả với triển vọng nhu cầu yếu hơn.
Các nước thành viên OPEC và các đồng minh (được gọi là OPEC +) kể từ ngày 1/1/2019 đã thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Mức cắt giảm nguồn cung được các nước thành viên OPEC chấp thuận là 800.000 thùng/ngày, song báo cáo cho thấy các nhà sản xuất thậm chí đã cắt giảm sâu hơn nữa. OPEC+ dự kiến sẽ họp vào ngày 25-26/6 hoặc đầu tháng Bảy tới để quyết định có nên gia hạn thỏa thuận hay không.
Báo cáo của OPEC cho biết sản lượng dầu của tổ chức này trong tháng Năm đã giảm 236.000 thùng/ngày so với tháng Tư, xuống còn 29,88 triệu thùng/ngày. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran đã khiến nguồn cung dầu của Iran ghi nhận mức suy giảm sâu nhất với 227.000 thùng/ngày.
OPEC ước tính khối này cần sản xuất trung bình 30,52 triệu thùng/ngày trong năm 2019 để cân bằng thị trường dầu mỏ, thấp hơn 60.000 thùng/ngày so với mức được đưa ra hồi tháng trước.
Bất chấp các động thái hạn chế sản lượng của OPEC+, giá dầu đã giảm xuống mức khoảng 62 USD/thùng so với mức đỉnh trên 75 USD/thùng ghi nhận hồi tháng 4/2019, do những áp lực từ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung và nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế.