Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tổ chức trong 2 ngày 23-24/12, Chính phủ đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, trong đó mục tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn là mục tiêu đầu tiên và được xác định là quan trọng nhất trong năm 2014. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày Tờ trình tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
|
* Linh hoạt trong chỉ đạo, điều hànhTheo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2013, kinh tế vĩ mô đi vào ổn định và ngày càng vững chắc hơn; tăng trưởng tuy không đạt kế hoạch 5,5%, nhưng đã đạt mức khoảng 5,42%. Đây là một cố gắng rất cao của các cấp, các ngành và nói lên xu thế là sự phục hồi kinh tế tuy chậm, nhưng đã có dấu hiệu tăng trưởng dần.
Lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố cũng đã có nhiều ý kiến phát biểu đánh giá cao Chính phủ đã kiên định quan điểm chỉ đạo, điều hành linh hoạt đảm bảo sự hài hòa các mục tiêu cấp bách trước mắt cũng như tính tổng thể lâu dài đối với định hướng phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội.
Các địa phương đặc biệt đánh giá cao điều hành chính sách tiền tệ, quản lý thị trường vàng của Chính phủ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường…Nhờ vậy, kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 chuyển biến đúng hướng, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã minh chứng chủ trương, đường lối và chính sách phát triển kinh tế-xã hội đúng đắn của Trung ương.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh sang năm 2014, để đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2014 tăng trưởng 5,8% chúng ta phải cố gắng rất nhiều, với sự thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo được sự ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu không đảm bảo được điều này, lạm phát sẽ quay trở lại, lãi suất tăng lên, doanh nghiệp còn khó khăn hơn. Cần có cơ chế chính sách phù hợp phải vực dậy được sản xuất ở tất cả các cấp, các ngành trong xã hội, nhất là lực lượng doanh nghiệp, các hộ sản xuất trong nông nghiệp.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Về tỷ giá, trong năm 2013, NHNN chủ động điều chỉnh tỷ giá 1%, với biên độ 1%, cho phép thị trường tự điều chỉnh khoảng 1%, nhưng thực tế thời gian qua, thị trường cũng chỉ điều chỉnh tối đa đến 0,6%.
Thống đốc khẳng định: NHNN sẽ xem xét điều chỉnh tỷ giá một cách linh hoạt, một mặt hỗ trợ cho xuất khẩu, mặc khác cũng bảo đảm mặt bằng chung, không đội lạm phát lên cao. Năm 2014, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhưng theo hướng ổn định và mức điều chỉnh không quá 2%.
* Bám sát các nhiệm vụ kinh tế trọng tâm, trọng điểmĐánh giá về tình kinh kinh tế- xã hội năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: nổi bật là kinh tế vĩ mô ổn định hơn, vững chắc hơn; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; thị trường ngoại tệ, trị trường vàng ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh. Việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất được quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả, khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có tăng trưởng, nhờ đó GDP cả năm tăng khoảng 5,42%; tổng đầu tư toàn xã hội vẫn đạt khoảng 30% GDP.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, khi Nghị quyết được ban hành, các Bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết để triển khai thực hiện từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2014 trên tinh thần bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế có trọng tâm, trọng điểm.
Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, mục tiêu tổng quát là tiếp tục chỉ đạo tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong đó lưu ý cần đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, song song với đó là thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để thực hành tiếp kiệm, chống lãng phí; giữ vững ổn định tỷ giá, kiểm soát chặt thị trường vàng, dứt khoát nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng, các ngân hàng thương mại không được phép huy động và cho vay vàng; quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc xử lý nợ xấu... Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường giá cả.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, thị trường lúa gạo 2014 tiếp tục có nhiều khó khăn, khi nguồn cung từ các nước xuất khẩu khác khá dồi dào. Vì vậy, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khuyến nghị các địa phương tiếp tục duy trì sản lượng, nhưng tập trung chủng loại gạo chất lượng cao, hạn chế các giống chất lượng thấp. Ngoài ra, năm 2014 cũng mở ra nhiều cơ hội với thị trường chăn nuôi thủy sản (quy mô 3,2 triệu tấn hiện nay). Đơn cử, nhu cầu tôm chân trắng tăng tới 60%, đây là thời cơ tốt để thúc đẩy mặt hàng này. Tuy vậy, cần phải quy hoạch chặt chẽ quy mô, quản lý chất lượng giống, thức ăn; phòng chống tốt dịch bệnh… để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Còn theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, qua quá trình rà soát, kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều dự án giao thông đầu tư lãng phí. Do vậy, sang năm 2014, ngành giao thông sẽ thực hiện tiếp tục rà soát quy hoạch. Đối với các dự án Trung ương cấp vốn mục tiêu và địa phương phê duyệt sẽ xem xét, thẩm định kỹ về quy mô, phân kỳ đầu tư. Kiên quyết khắc phục tình trạng địa phương cứ phê duyệt, xây dựng những dự án vượt quá nhu cầu và chưa thực sự cấp bách rồi sau đó Trung ương phải đứng ra trả nợ.
Cũng theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, năm 2014 vẫn phải tiếp tục có những giải pháp mạnh tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mặc dù thị trường đang ấm lên. Do vậy, theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, năm tới cần phải gắn tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với thực hiện Chiến lược về nhà ở để sản phẩm bất động sản đến với người tiêu dùng. Phải tập trung cơ cấu lại các dự án bất động sản và các sản phẩm bất động sản, khắc phục những lệch pha cung cầu giữa một bên là nguồn cung thừa của những sản phẩm cao cấp và một bên là nguồn cung thiếu nhưng cầu rất lớn đối với sản phẩm nhà ở trung bình, quy mô nhỏ, phù hợp với đại đa số người dân…để từ đó tạo ra nhiều sản phẩm bất động sản phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân.
Một nhiệm vụ trọng tâm nữa cũng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý các Bộ, ngành và địa phương là hết chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong thực hiện, các đột phá chiến lược cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác cải cách thể chế, tổ chức thực hiện nghiêm việc triển khai thi hành pháp luật, pháp lệnh, nghị định; rà soát, lập kế hoạch, danh mục các văn bản pháp luật cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với Hiến pháp mới được thông qua. Cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, theo hướng công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó, tạo mọi điều kiện để thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng điện, giao thông, thủy lợi, nước, hạ tầng công nghệ thông tin.
Hồng Ninh