Bên lề Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, "Tư lệnh" các ngành Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Xây dựng, Công Thương đã trao đổi với phóng viên về những giải pháp trọng tâm của ngành thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2014.Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội. Ảnh: Đức Tám/TTXVN |
*Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo được ổn định vĩ môBộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, năm 2013 là một năm hết sức khó khăn, nhưng với sự điều hành tập trung, quyết liệt từ Trung ương tới các Bộ, ngành, địa phương nên nước ta đã đạt được một kết quả tương đối tốt. Kinh tế vĩ mô tiếp ổn định và ngày càng vững chắc.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tăng trưởng tuy không đạt kế hoạch 5,5% nhưng đã đạt mức 5,42%, đây là sự cố gắng rất cao của các cấp, các ngành. Kết quả này nói lên sự phục hồi kinh tế mặc dù còn chậm nhưng đã có dấu hiệu tốt.
Năm 2014, đất nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn, trong đó lớn nhất là ổn định vĩ mô. Ngoài ra, khó khăn của doanh nghiệp, doanh nhân, các hộ sản xuất vẫn còn rất nhiều. Lãi suất ngân hàng đã giảm, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Điều này do nhiều lý do, kể cả vấn đề nợ xấu cũng như điều kiện cho vay không đơn giản. Số doanh nghiệp dừng và giải thể vẫn tiếp tục gia tăng, mà đây là lực lượng chủ yếu làm tăng trưởng kinh tế-xã hội. Cho nên, mục tiêu đặt ra trong năm 2014, tăng trưởng 5,8% cũng là một mục tiêu cần phải cố gắng rất nhiều và phải có những giải pháp hữu hiệu mới có thể đạt được mục tiêu này.
Trong đó, điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo được ổn định vĩ mô và nếu không làm được điều này, lạm phát chắc sẽ quay trở lại, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chúng ta phải tiếp tục vực hỗ trợ lực lượng doanh nghiệp và các hộ sản xuất nông nghiệp. Bởi, đây là hai lực lượng sản xuất chính làm tăng trưởng kinh tế - xã hội. Để làm được điều này, phải có các giải pháp như: Thứ nhất, phải giải quyết được vấn đề nợ xấu của các doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có định hướng thị trường cũng như sản phẩm tốt được tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp và nguồn tiền phải bơm thẳng vào các doanh nghiệp này, để ổn định đầu tư sản xuất.
Thứ hai, đối với những lĩnh vực trọng tâm, tín dụng ngân hàng phải ưu tiên nhất là sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải khai thác tốt nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước để giảm tải cho ngân sách Nhà nước dự kiến sang năm 2014 vẫn khó khăn. Từ những nguồn lực đó, sẽ dành đầu tư kết cấu hạ tầng, sản xuất, lĩnh vực chế biến, chế tạo và những lĩnh vực có sản phẩm cạnh tranh lớn, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư Bùi Quang Vinh, năm 2014, phải đổi mới căn bản, thiết thực hơn nữa; lắng nghe và hỗ trợ doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, nếu khôi phục được sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài, sẽ tạo nguồn lực lớn nhằm không chỉ tạo ra tăng trưởng, mà còn là một hướng phát triển lâu dài cho đất nước. Đây chính là những biện pháp rất quan trọng giúp nước ta có thể đạt mức tăng trưởng 5,8% trong năm 2014.
* Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình: Kiểm soát tốt lạm phát trong năm 2014Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Nghị Quyết của Quốc hội cũng như dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Với tinh thần đó, chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước đã hướng đến nhiệm vụ này với mức lạm phát khoảng 7%. Tuy nhiên, trong năm 2014, đây sẽ là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Bởi một mặt, chúng ta phải ổn định được kinh tế vĩ mô, nhưng mặt khác phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 5,8%, trong khi bội chi ngân sách Quốc hội đã phê duyệt năm 2014 ở mức 5,3%. Quốc hội cũng đã phê duyệt Chương trình trái phiếu Chính phủ cao hơn trong năm 2014. Chính vì vậy, năm 2014, ngoài những nội dung của chính sách tiền tệ như đã thực hiện quyết liệt trong những năm qua, cần đảm bảo sự phối hợp hết sức chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, năm 2014 cần phải kiểm soát tốt mặt bằng giá cả, nhất là các mặt hàng vẫn còn dưới sự chỉ đạo của Nhà nước. Việc từng bước có một lộ trình tiếp cận với giá cả thị trường phải diễn ra hết sức là linh hoạt, tránh gây những cú sốc về giá cả. Về mặt cung ứng tiền của Ngân hàng Nhà nước, ngoài việc phải đảm bảo thanh khoản để các tổ chức tín dụng mua được trái phiếu Chính phủ theo đúng kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước phải cung ứng một lượng tiền phục vụ việc xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý nợ xấu và mua bán nợ xấu VAMC cũng như những gói hỗ trợ khác.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, để thực hiện được mục tiêu đã đề ra năm 2014, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp đồng bộ. Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt sâu sắc tinh thần đó và ngay từ đầu năm sẽ quyết liệt, phối hợp chặt chẽ để triển khai.
Trong suốt 3 năm qua, Chính phủ nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng đã có nhiều kinh nghiệm trong kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Kết quả của những năm qua, đặc biệt là năm 2013 là tiền đề rất tốt để chúng ta vững tin triển khai đồng bộ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.
* Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Gắn việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với việc thực hiện Chiến lược nhà ở
Trao đổi về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản năm 2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Năm 2014, ngành Xây dựng vẫn phải tiếp tục thự hiện nhiệm vụ này, mặc dù thị trường bất động sản đã và đang có dấu hiệu hồi phục. Ngành Xây dựng sẽ gắn việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với việc thực hiện Chiến lược nhà ở để sản phẩm bất động sản đến với người tiêu dùng, đến với người người dân. Ngoài ra, tập trung cơ cấu lại các dự án bất động sản, thay vì những sản phẩm bất động sản cao cấp cung đang thừa, chú trọng các sản phẩm trung bình quy mô nhỏ phù hợp với đại đa số người dân. Ngành Xây dựng cũng hướng đến Chiến lược nhà ở, tập trung phát triển nhà ở xã hội. Đây là chính sách Nhà nước nhằm hỗ trợ cho người dân không có khả năng mua nhà ở theo giá thị trường, những cán bộ công chức, viên chức, người dân lao động đô thị, những quân nhân chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang…
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, nếu ngành xây dựng thực hiện được Chiến lược nhà ở, phát triển mạnh nhà ở xã hội và các loại hình nhà ở hướng đến người dân, đây sẽ là kênh đầu tư lớn để kích cầu nền kinh tế tăng trưởng trở lại, khai thông những lĩnh vực có liên quan như: sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, thép… tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển bền vững, cải thiện nhà ở cho người dân.
* Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
Trao đổi về công tác xuất khẩu trong 2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Việc phát triển thị trường ngoài nước là nhân tố hết sức quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển. Bộ trưởng khẳng định, nếu ngành Công Thương làm tốt công tác thị trường ngoài nước, sản xuất trong nước sẽ có nhiều thị trường tiêu thụ. Mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế khu vực và thế giới phát triển, góp phần thúc đẩy, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bộ trưởng cho biết, tại Phiên họp chung Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao lần thứ 28 và Hội nghị tham tán Thương mại năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu năm 2014, ngành Công Thương phải lấy việc mở rộng thị trường ngoài nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động kinh tế đối ngoại và hoạt động hợp tác quốc tế. Thực hiện chỉ đạo này, Ngành Công Thương đã chỉ đạo các tham tán thương mại tại các thị trường bên ngoài không phân biệt thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng và những thị trường hiện nay còn khiêm tốn.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, để đạt được mục tiêu năm 2014 tăng trưởng xuất khẩu đạt ít nhất 10%, ngành Công Thương phải làm tốt hơn công tác kiểm soát nhập khẩu, chỉ nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, đời sống nhân dân, hạn chế tối đa nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu. Qua đó, thực hiện cân bằng cán cân thương mại và tiến tới trong những năm tiếp theo xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu. Các Tham tán thương mại cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, vừa phải liên hệ chặt chẽ với trong nước, vừa liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp, các bộ, các ngành trong nước.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: việc đàm phán các Hiệp định khu vực mậu dịch tự do và các Hiệp định kinh tế, thương mại là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không thể tách rời sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có vai trò của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Việt Nam đã đàm phán và ký kết 8 Hiệp định khu vực mậu dịch tự do và những Hiệp định có nội dung tương tự. Chính phủ đang chỉ đạo ngành Công Thương cũng như các bộ, ngành tích cực thúc đẩy việc đàm phán, tiến tới ký kết 6 Hiệp định khu vực mậu dịch tự do khác, trong đó quan trọng là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định khu vực mậu dịch tự do với Liên minh Châu Âu, Hiệp định khu vực mậu dịch tự do với Hàn Quốc và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực… Ngành Công Thương khẳng định, năm 2014, một trong số các Hiệp định trên sẽ được hoàn tất, tạo cục diện mới trong hoạt động hội nhập của Việt Nam.
Đánh giá tổng quan nhất về hoạt động xuất- nhập khẩu năm 2013, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: năm 2013, hoạt động xuất- nhập khẩu của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận: thứ nhất là tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tăng 15,4% so với năm 2012. Thứ hai, hoạt động xuất- nhập khẩu có xu hướng tăng các mặt hàng với kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ đô la trở lên với 23 nhóm hàng hóa. Thứ 3, cơ cấu hàng xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng các sản phẩm chế biến, công nghiệp chế tạo đã tăng lên khá nhiều so với mặt hàng gia công và mặt hàng xuất khẩu thô. Thứ tư, Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 200 nước, vùng lãnh thổ; không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường truyền thống mà còn đang và tiếp tục tìm những giải pháp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường khu vực Châu Phi, Trung Đông, Châu Mỹ La tinh. Thứ năm, Việt Nam đã chủ động trong việc ứng phó với những rào cản thương mại và những biện pháp mang tính bảo hộ thương mại của một số nền kinh tế.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tin tưởng, năm 2014, toàn ngành Công Thương tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp như đã triển khai trong năm 2013, tình hình xuất khẩu sẽ khả quan hơn.
Thiện Thuật