Để tích nước phục vụ cho 8 tổ máy phát điện, Thủy điện Hòa Bình đã tạo ra một vùng lòng hồ nhân tạo mới với chiều dài 230 km từ đập chính (thành phố Hòa Bình) ngược lên thượng nguồn đến địa phận xã Mường Bú, huyện Mường La của tỉnh Sơn La. Điều này đã tác động không nhỏ tới địa bàn hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình.
Một cán bộ làm công tác chuyển dân hồ Thủy điện Hòa Bình hồi đó kể lại: “Khi đi điều tra, thống kê đối tượng phải chuyển, đền bù rải rác ở 5 huyện Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu, Mai Sơn, Mường La. Đi bộ tháng qua tháng, năm qua năm, văn bản viết tay kê trên đầu gối, làm gì có ô tô, xe máy, máy vi tính như bây giờ. Hàng ngày, anh em phải thường xuyên ngửa cổ nhìn mốc 120m và so với nơi dân đang sinh sống để đo, đếm, tính toán từng ngôi nhà, từng mảnh vườn, thửa ruộng, ngôi mộ, cây cầu, con đường với phương châm là phải chính xác, không để dân thiệt”.
Ông Nguyễn Duy Nhượng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La tâm sự: Thời kỳ đó làm công tác tuyên truyền, vận động dân vất vả lắm. Trong tâm khảm của mỗi người dân, từng hộ gia đình, tư tưởng đấu tranh, giằng co giữa chuyển đi hay ở lại diễn ra từng ngày, từng giờ. Khi lòng hồ tích nước thì hàng nghìn hộ dân ồ ạt di chuyển cùng lúc.
Theo số liệu điều tra 4/1994, toàn bộ số dân di chuyển không có hộ nào khá giả, hộ có mức sống trung bình chiếm 65%, còn lại là hộ nghèo đói. Thu nhập bình quân đầu người chỉ có 25.000 đồng/người/tháng, thiếu đói từ 5 đến 7 tháng/năm. Theo đó, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, văn hóa giáo dục chậm phát triển, có đến 50% dân mù chữ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiếu, kém toàn diện. Ở nơi dân đến cũng chẳng có chút gì hơn, bởi họ không còn được hỗ trợ lương thực, không còn đồng vốn, không có ruộng, thiếu kiến thức để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong khi nơi đến điều kiện tự nhiên đất dốc, bạc màu. Với hơn 10.000 hộ, 6 vạn nhân khẩu họ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Trong điều kiện sinh hoạt tại nơi mới chuyển đến, từng người dân, từng hộ gia đình tự bươn trải để lo cái ăn, cái mặc, phải làm lại, tạo dựng tất cả từ đầu.
Vực dậy vùng chuyển dân sông Đà
Sơn La được Nhà nước hỗ trợ đền bù là 68,9 tỷ đồng cho công tác chuyển dân vùng hồ Thủy điện Hòa Bình. Tuy nhiên số tiền ấy là quá ít ỏi so với sự hy sinh vì dòng điện của đồng bào các dân tộc 5 huyện Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu, Mai Sơn và Mường La. Những năm đó do trả chậm tiền đền bù cho dân, thời gian trả lại kéo dài, nhỏ giọt nên xảy ra tình trạng đồng tiền bị mất giá. Bà con so sánh: “Khi nhận được đồng tiền đền bù có thể mua được cả con trâu, nhưng thời gian sau cũng với số tiền đó chỉ mua được cái đuôi trâu mà thôi”. Vì sao vậy? Năm 1995, Nhà nước đổi tiền, nhiều hộ dân và hợp tác xã nông nghiệp nhận tiền đền bù, mang đến ngân hàng gửi tiết kiệm. Sau đổi tiền, những sổ tiết kiệm ấy chỉ còn là kỷ niệm của đền bù. Bà con thì thật thà mà cũng chẳng kêu ai, vẫn tự bươn trải, lo toan cho cuộc sống của họ.
Để bù đắp phần nào sự hy sinh của bà con vì dòng điện của Tổ quốc, Chính phủ đã có các Quyết định phê duyệt Dự án "Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hộ vùng chuyển dân sông Đà" thuộc tỉnh Sơn La tại Quyết định số 747/QĐ-TTg ngày 7/12/1994, Quyết định số 1382/QĐ-TTg ngày 24/10/2001 Thủ tướng Chính phủ, với tổng nguồn vốn của hai dự án được cấp về cho tỉnh thực hiện từ năm 1995 - 2009 là 764,735 tỷ đồng. Ban công tác sông Đà nay là Ban quản lý dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La được giao làm chủ đầu tư song song với nhiệm vụ di dân tái định cư Thủy điện Sơn La. Trong đó di chuyển và sắp xếp lại dân cư cho 722 hộ vùng ven hồ Thủy điện Hòa Bình đến nơi ở mới có điều kiện sản xuất và sinh hoạt tốt hơn nơi ở cũ.
Từ dự án hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tạo ra diện mạo mới tại các điểm tái định cư vùng hồ Thủy điện Hòa Bình, hình thành vùng trồng quế hàng trăm ha, cây ăn quả các loại trên 5.000 ha. Ở nhiều nơi, bà con đã xây dựng trên 4.000 ha nương định canh, ruộng bậc thang, trồng mới 235 ha chè và nhiều mô hình sản xuất. Trên 10.000 lượt hộ được tập huấn chuyển giao kỹ thuật, theo đó 10.709 lượt hộ được vay vốn để phát triển sản xuất.
Theo số liệu thông kê của ngành chức năng, trong 5 năm (1995 – 2009), từ vốn hỗ trợ của dự án 747 (ổn định dân cư và phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà), các hộ dân đã trồng được 19.420 ha rừng kinh tế, khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng tự nhiên hàng năm khoảng trên 100.000 ha, đã góp phần nâng độ che phủ của rừng Sơn La từ 9,8% năm 1994 lên 46,41% năm 2009.
Bộ mặt nông thôn mới vùng tái định cư sông Đà từng bước được hình thành nhờ đầu tư từ nguồn vốn 747. Theo đó trên 548 km đường giao thông liên huyện, liên xã và đường đến các bản được xây dựng mới và nâng cấp, làm mới 6 cầu treo, 2 cầu bê tông phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, giao lưu hàng hóa, đi lại của đồng bào. Các xã trong vùng dự án không chỉ có đường đến trung tâm xã, mà còn được Nhà nước đầu tư xây dựng 45 công trình điện, đảm bảo cung cấp cho 100% các xã, 36 công trình thủy lợi, 168 công trình cấp nước sinh hoạt, 196 công trình trường lớp học, 8 nhà văn hóa trung tâm xã, 6 công trình trụ sở xã, 11 trạm phát lại truyền hình, 6 chợ ven sông Đà và nhiều công trình công cộng khác phục vụ dân sinh.
Hiện nay, bà con vùng chuyển dân sông Đà đã có nhiều mô hình phát triển sản xuất. Điển hình như hộ anh Bùi Văn Hanh ở bản Đá Đỏ, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên xây dựng trang trại chăn nuôi với 600 con trâu bò, thu tiền lãi trên 200 trăm triệu đồng mỗi năm từ việc bán trâu bò thịt, trâu bò giống. Gia đình anh Hanh còn đầu tư mua 2 ô tô chở khách phục vụ bà con đi lại, đầu tư mua thuyền trọng tải 100 tấn để thu gom nông sản, vận chuyển hàng hóa trên hồ, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động trong xã. Còn gia đình anh Đinh Văn Hiền ở bản Đá Mài, xã Nam Phong, huyện Phù Yên với lợi thế ở ven hồ, gia đình anh đã đầu tư mua 3 thuyền máy, trọng tải 100 tấn/thuyền để làm dịch vụ chở hàng nông sản, góp phần tiêu thụ ngô, sắn cho bà con trong vùng. Khác với mô hình chăn nuôi, vận tải của anh Hanh, anh Hiền, gia đình anh Đinh Văn Mằn (dân tộc Mường) ở bản Đồng Răng, xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu có cách làm giàu nhờ đầu tư vào nuôi cá bè, các hồng trên hồ, mỗi năm thu về 4 - 5 tấn cá. Anh Mằn dự tính năm nay sẽ mở rộng mô hình này, đồng thời giúp đỡ các hộ ven hồ phát triển nghề nuôi cá bè, cá lồng trên hồ để nâng mức thu nhập, ổn định đời sống.
Số liệu khảo sát năm 2009 cho thấy đời sống của các hộ dân vùng chuyển dân sông Đà (thuộc hồ Thủy điện Hòa Bình) đã có thu nhập bình quân khoảng 9,4 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 6 lần so với năm 2000, số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn khoảng 43%. Điều kiện về nhà ở, tiện nghi trong gia đình được cải thiện, trên 85% số hộ có nhà xây hoặc nhà sàn cột kê lợp ngói, 90% số bản được dùng điện sinh hoạt, 85% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh.
Ông Lù Bình, Trưởng Ban Quản lý di dân tái định cư Thủy điện tỉnh Sơn La cho biết: Vùng chuyển dân sông Đà đến nay cơ bản ổn định, cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn và nhất là kinh tế hộ gia đình từng bước được định hình theo hướng sản xuất hàng hóa, các mô hình sản xuất ngày một đa dạng hơn, khoa học kỹ thuật - chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất được ứng dụng, một số cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ - tiểu thủ công nghiệp được hình thành như xay xát, chế biến nông – lâm sản, rèn đúc sản xuất công cụ lao động, gạch ngói, đan lát thủ công mỹ nghệ.
Bài và ảnh: Điêu Chính Tới