Nông thôn Long An khởi sắc - Bài cuối: Lấy con người làm chủ thể phát triển

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Long An xác định nhằm nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho người dân khu vực nông thôn.

Chú thích ảnh
Các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: baolongan.vn

Chính vì vậy, đích đến để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới chính là hoàn thành để phục vụ cho nhu cầu của con người, mọi hoạt động đều lấy con người làm chủ thể phát triển.

Nỗ lực giữ vững danh hiệu

Công cuộc xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Long An được xác định là việc làm không có điểm kết. Bởi sau những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương và người dân tại đây để hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, việc làm tiếp theo chính là làm sao để giữ vững các danh hiệu này. Để từ đó có thể làm nền tảng để tiếp tục tái đầu tư hạ tầng, nâng chất các tiêu chí, giúp người dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo mục tiêu thu nhập đã đề ra.

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, trong những tiêu chí mà các địa phương đạt được, có một số tiêu chí được nhận diện là tiêu chí “mềm”. Vì các tiêu chí này có thể đạt được trong năm nay, nhưng cũng dễ dàng khó đạt được trong năm sau, sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thành xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đó là các tiêu chí thu nhập, vệ sinh môi trường và tiêu chí an toàn thực phẩm.

Qua khảo sát quá trình xây dựng nông thôn mới tại xã Bình An, huyện Thủ Thừa,  mặc dù xã đã hoàn thành tiêu chí thu nhập, toàn xã hiện chỉ còn 3% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng/năm, nhưng chính quyền địa phương cũng lo lắng xã Bình An sẽ rớt hạng tiêu chí này trong năm sau.

Do đó, để khuyến khích người dân gia tăng sản xuất, nâng cao và duy trì thu nhập, xã được huyện chọn làm điểm phát triển đàn bò thịt. Người dân được hỗ trợ bò giống và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất. 

Theo ông Dương Vũ Ny, Phó Chủ tịch UBND xã Bình An, huyện Thủ Thừa, để phấn đấu về đích xã nông thôn mới, năm nay, xã tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt; đồng thời, tập trung thực hiện 2 tiêu chí y tế, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế, quan tâm đến bảo đảm vệ sinh môi trường, duy tu, nâng cấp các tuyến đường giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Về tiêu chí bảo vệ môi trường, để giữ vững tiêu chí này, rất cần người dân hiểu rõ, nhận thức đúng và duy trì thường xuyên. Điển hình, tại huyện Bến Lức, người dân đã hưởng ứng nhiệt tình lời kêu gọi của UBND huyện, tạo mảng xanh và bảo vệ môi trường xung quanh khu vực nơi cư trú.

Theo ông Bùi Văn Được, ngụ ấp Thanh Hiệp, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, hiện ấp Thanh Hiệp đã thành lập Tổ nhặt rác. Vào mỗi buổi sáng, các thành viên trong tổ này vừa tập thể dục vừa mang theo túi để nhặt rác và tập kết đúng nơi quy định. Công việc này cứ lặp đi lặp lại đã mấy năm nay. Nhờ đó, các tuyến đường chính trên địa bàn Thanh Phú khá sạch sẽ. Đây là việc làm ý nghĩa nên đa số người dân đều hướng ứng, cũng là cách giữ vững tiêu chí bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới cho địa phương.

Nỗ lực vì người dân

Hiện nay, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn còn trong quá trình thực hiện, phấn đấu tiếp tục để hoàn thành các tiêu chí còn lại. Đồng thời, UBND tỉnh Long An cũng định hướng sẽ tiếp phát triển xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu đối với những địa phương đã hoàn thành tốt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, các tiêu chí an toàn thực phẩm, nước sạch cho sinh hoạt, ăn uống và các tiêu chí thu nhập, giáo dục, y tế, cải thiện sức khỏe cho người dân được chú trọng hơn.

Theo ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi tỉnh Long An, trong thời gian tới, giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh Long An và chính quyền địa phương các cấp xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn tiệm cận với khu vực đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa, kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ...

Cụ thể, toàn tỉnh sẽ phấn đấu 8 huyện/thị xã/thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 4 huyện so với giai đoạn 2016-2020. Hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng hai huyện so với giai đoạn 2016-2020. Một huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tăng một huyện so với giai đoạn 2016-2020.

Trong các huyện được xác định mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025, sẽ có 120 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 17 xã so với giai đoạn 2016-2020, 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 13 xã so với giai đoạn 2016-2020, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 5 xã so với giai đoạn 2016-2020. Số tiêu chí đạt bình quân là 17,6 tiêu chí/xã. 

Một trong những tiêu chí được cả tỉnh chú trọng hiện nay chính là nguồn nước sạch phục vụ cho người dân toàn tỉnh. Theo Quy hoạch cấp nước của tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nhu cầu cung cấp nước sạch trên địa bàn đến năm 2020 là hơn 420.000 m3, đến năm 2030 là gần 736.000 m3.

Tuy nhiên, đến nay, tỉnh chỉ mới xây dựng được 35 trạm, nhà máy xử lý nước sạch với tổng công suất đạt gần 206.000 m3, đáp ứng 48,9% nhu cầu, và còn thiếu hụt hơn 215.000 m3 nước sạch để phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị và sinh hoạt của người dân.

Chính vì vậy, thời gian tới, UBND tỉnh Long An sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiến hành điều chỉnh quy hoạch cấp nước trên địa bàn; tập trung thực hiện nhiều giải pháp để nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tỉnh tập trung khai thác các nguồn nước mặt, từng bước giảm khai thác nước ngầm trong xử lý nước sạch; tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống mạng lưới cung cấp nước sạch, tăng tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch…

Hồng Nhung – Minh Hưng – Thanh Bình (TTXVN)
Nông thôn Long An khởi sắc - Bài 1: Diện mạo mới
Nông thôn Long An khởi sắc - Bài 1: Diện mạo mới

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, tỉnh Long An đã đạt được những thành tựu đáng kể, giúp thay đổi bộ mặt nông thôn tỉnh nhà, đời sống người dân cải thiện, sản xuất phát triển, hạ tầng khu vực nông thôn dần được đầu tư, xây dựng, giúp giao thương, trao đổi hàng hóa của người dân dễ dàng hơn so với trước đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN