Bài 1: Diện mạo mới
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giúp cho khu vực nông thôn của tỉnh Long An có nhiều chuyển biến, người người trở nên khấm khá nhờ điều kiện hạ tầng thuận lợi, thúc đẩy kinh tế phát triển, nhà nhà trở nên khang trang hơn so với trước đây.
Mỗi người dân là một đại sứ nông thôn mới
Góp phần vào mục tiêu chung xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Long An thành công, không thể không kể đến những đóng góp tích cực của chính người dân địa phương. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị đã cùng nhau huy động sức dân để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo khu vực nông thôn tỉnh Long An.
Theo ông Phạm Chí Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân tỉnh và các cấp hội tích cực vận động hội viên, nông dân đóng góp tiền, đất đai, công lao động để xây dựng và sửa chữa cầu, đường giao thông, kênh, mương nội đồng, kéo điện thắp sáng, công trình khai thác sử dụng nước sạch với tổng giá trị đóng góp khoảng 453 tỷ đồng và hơn 24.000 ngày công lao động.
Từ đó, hàng trăm kilômét đường giao thông nông thôn được làm mới và sửa chữa; nhiều công trình kênh, mương nội đồng được kiên cố hóa và nạo vét,...
Hưởng ứng cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Lương Duyên ở xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng đã hiến 5,7 ha đất lúa, trị giá hàng tỉ đồng để làm đường giao thông nông thôn.
Ông Duyên chia sẻ, vùng này trước đây bị nhiễm phèn nặng, năng suất lúa không đáng kể, cuộc sống của người dân khó khăn trăm bề. Sau đó, nhà nước có các chương trình, chính sách để phát triển nông nghiệp như: cải tạo hệ thống kênh, mương nội đồng, cung cấp giống lúa, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay, khuyến khích nông dân làm giàu,…
Nhờ đó, ông và nhiều nông dân trong vùng đã có cuộc sống no ấm hơn. Do vậy, ông xác định hiến đất làm đường là việc nên làm và tùy khả năng từng hộ, đều có thể góp chút công sức để xây dựng quê hương.
Ông Nguyễn Ngọc Danh, ngụ tại ấp 5, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, khi biết chính quyền địa phương tìm quỹ đất để xây dựng điểm trường mẫu giáo trên địa bàn, ông đã cùng với gia đình tự nguyện hiến hơn 1.000m2 đất (trị giá khoảng 2 tỉ đồng) để xây dựng điểm Trường Mẫu giáo Rạch Rích.
Ông Danh cho biết, ông gắn bó với mảnh đất này từ nhỏ, nên hiểu rõ những khó khăn trong việc học tập của các em nhỏ. Vì vậy, ông và gia đình tự nguyện hiến đất xây trường để con em địa phương có nơi học hành khang trang, thuận tiện.
Ông Phạm Chí Tâm cho biết, qua tuyên truyền, vận động, 10 năm xây dựng nông thôn mới, tỉnh Long An vẫn còn nhiều điển hình khác trong việc chung tay đóng góp để cùng thay đổi một nông thôn thiếu thốn thành nơi có nếp sống văn minh, kinh tế ổn định hơn so với trước đây.
Vượt chỉ tiêu đề ra
Bằng sự đóng góp tích cực của mỗi người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới, các cấp, chính quyền, Đảng bộ địa phương trên toàn tỉnh Long An đã đồng lòng đưa nông thôn Long An tiến lên, hoàn thành dần các chí tiêu trong xây dựng nông thôn mới, vượt kế hoạch đã đề ra của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, tính đến tháng 5/2020, toàn tỉnh Long An đã có 88/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 54,6% số xã toàn tỉnh, vượt chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh đảng bộ đề ra là trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An cho biết, trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới này, có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bình quân mỗi xã của tỉnh đạt 16,6 tiêu chí, toàn tỉnh không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Bộ mặt nông thôn của tỉnh có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt… được đầu tư ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp, an ninh trật tự xã hội ở nông thôn được đảm bảo và giữ vững.
Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã huy động được hơn 55.342 tỷ đồng để thực hiện chương trình, gồm: vốn ngân sách Trung ương 1.082 tỷ đồng, chiếm 2%; vốn ngân sách địa phương (bố trí trực tiếp) 563 tỷ đồng, chiếm 1%; vốn lồng ghép 4.423 tỷ đồng, chiếm 8%; vốn doanh nghiệp 314 tỷ đồng, chiếm 0,6%; vốn huy động người dân và cộng đồng 736 tỷ đồng, chiếm 1,3%; vốn tín dụng 48.223 tỷ đồng, chiếm 87,1%.
”Nguồn vốn huy động này đã được sử dụng một cách hiệu quả trong đầu tư vào các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được hình thành và ứng dụng công nghệ cao bước đầu có hiệu quả; chất lượng nông sản ngày càng tăng, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu; ý thức hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đã được nâng lên”, ông Thuần cho biết thêm.
Điển hình, vào cuối tháng 5/2020 vừa qua, huyện Châu Thành đã được Thủ tướng trao quyết định công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Long An.
Theo đó, giai đoạn 2011 – 2018, huyện Châu Thành đã huy động hơn 1.800 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới; trong đó, ngân sách trung ương là 450 tỷ đồng; ngân sách tỉnh gần 420 tỷ đồng; ngân sách huyện và xã hơn 248 tỷ đồng và gần 731 tỷ đồng do doanh nghiệp và nhân dân đóng góp.
Từ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Châu Thành duy trì tăng trưởng bình quân trên 8,1%/năm (giai đoạn 2011 – 2019), thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt trên 59 triệu đồng/năm. Đến nay, huyện Châu Thành có 12/12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Kết quả ngoài mong đợi trên là thành quả đáng ghi nhận từ những nỗ lực của cả chính quyền địa phương và nhân dân tỉnh Long An.
Bài cuối: Lấy con người làm chủ thể phát triển